Đi làm vào ngày nghỉ bù, người lao động được trả lương bao nhiêu?
03/05/2022
Hiện nay, một số người lao động vẫn còn được nghỉ bù cho ngày lễ 30/4 – 01/5 (đến hết ngày 03/5/2022). Vậy nếu những người này đi làm vào ngày nghỉ bù thì sẽ được tính lương thế nào?
1. Khi nào người lao động được nghỉ bù đến hết ngày 03/5/2022?
Theo khoản 3 Điều 111 Bộ luật Lao động 2019 quy định nếu ngày nghỉ hằng tuần trùng với các ngày nghỉ lễ, tết theo quy định tại khoản 1 Điều 112 thì người lao động được nghỉ bù ngày nghỉ hằng tuần vào ngày làm việc kế tiếp.
Theo khoản 1 Điều 112 Bộ luật Lao động 2019 quy định về các ngày nghỉ lễ, Tết mà người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương bao gồm:
- Tết Dương lịch: 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch);
- Tết Âm lịch: 05 ngày;
- Ngày Chiến thắng: 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch);
- Ngày Quốc tế lao động: 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch);
- Quốc khánh: 02 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau);
- Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).
Năm nay, ngày Chiến thắng (30/4/2022) và ngày Quốc tế Lao động (01/5/2022) lần lượt rơi vào ngày thứ Bảy và Chủ nhật. Do đó, đối với những người lao động làm việc theo chế độ nghỉ thứ Bảy, Chủ nhật thì sẽ được nghỉ liên tiếp 04 ngày kể từ ngày 30/4/2022 đến hết ngày 03/5/2022.
Đối với những người lao động làm việc theo chế độ nghỉ 01 ngày/tuần vào Chủ nhật thì sẽ được nghỉ liên tiếp 03 ngày kể từ ngày 30/4/2022 đến hết ngày 02/4/2022.
Còn đối với những người lao động có ngày nghỉ hằng tuần rơi vào ngày khác trong tuần thì sẽ được nghỉ 02 ngày là ngày 30/4 và 01/5.
2. Nếu đi làm vào ngày nghỉ bù, NLĐ được tính lương như thế nào?
Theo khoản 3 Điều 55 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định người lao động làm thêm giờ vào ngày lễ, tết trùng vào ngày nghỉ hằng tuần thì được trả lương làm thêm giờ vào ngày nghỉ lễ, tết. Trường hợp làm thêm giờ vào ngày nghỉ bù khi ngày lễ, tết trùng vào ngày nghỉ hằng tuần thì người lao động được trả lương làm thêm giờ vào ngày nghỉ hằng tuần.
Như vậy, theo quy định trên nếu NLĐ đi làm vào ngày nghỉ bù thì sẽ được trả lương như khi làm thêm vào ngày nghỉ hằng tuần.
Bên cạnh đó, theo điểm b khoản 1 Điều 98 Bộ luật Lao động 2019 quy định tiền lương làm thêm giờ vào ngày nghỉ hằng tuần sẽ được trả lương ít nhất bằng 200% tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm.
Nếu NLĐ làm việc vào ban đêm thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc của ngày làm việc bình thường.
Ngoài ra, NLĐ làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương theo quy định nêu trên, người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày của ngày làm việc bình thường hoặc của ngày nghỉ hằng tuần hoặc của ngày nghỉ lễ, tết.
Như vậy, nếu NLĐ đi làm vào ngày nghỉ bù thì tiền lương sẽ được tính như sau:
- Nếu làm việc vào ban ngày: ít nhất 200% lương của ngày làm việc bình thường.
- Nếu làm việc vào ban đêm: ít nhất 250% lương của ngày làm việc bình thường.
3. NLĐ cần làm gì nếu NSDLĐ không trả đúng số tiền làm thêm đáng ra được nhận?
Trong trường hợp NLĐ làm thêm vào ngày nghỉ bù nhưng NSDLĐ không trả lương hoặc trả lương không đầy đủ thì có thể thực hiện 02 cách sau để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình:
Cách 1: Khiếu nại
Theo Điều 5, Điều 15 và Điều 19 Nghị định 24/2018/NĐ-CP người lao động thực hiện khiếu nại theo trình tự, thủ tục như sau:
- Khiếu nại lần đầu: Tới người sử dụng lao động.
+ Thời gian thụ lý khiếu nại: 07 ngày làm việc.
+ Thời hạn giải quyết: Không quá 30 ngày hoặc 45 ngày (vụ việc phức tạp), kể từ ngày thụ lý.
Nếu quá thời hạn trên mà không được giải quyết hoặc không đồng ý với việc giải quyết của phía công ty, người lao động có thể khiếu nại lần 2 hoặc khởi kiện tại Tòa án theo thủ tục tố tụng dân sự.
- Khiếu nại lần hai: Tới Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nơi công ty đặt trụ sở chính.
+ Thời hiệu khiếu nại: 30 ngày, kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu.
+ Thời hạn thụ lý: 07 ngày làm việc.
+ Thời hạn giải quyết: 45 ngày hoặc 60 ngày (vụ việc phức tạp), kể từ ngày thụ lý.
Nếu không được giải quyết đúng hạn hoặc không đồng ý với việc giải quyết của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, người lao động có thể khởi kiện tới Tòa án.
Cách 2: Tố cáo
Người lao động có thể tố cáo vi phạm của công ty đến Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
Theo Điều 37 Nghị định 24/2018/NĐ-CP, người lao động có thể gửi đơn tố cáo hoặc tố cáo trực tiếp với Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, kèm theo đó là các bằng chứng vi phạm của công ty.
Thời hạn giải quyết: Không quá 30 ngày kể từ ngày thụ lý tố cáo (Điều 30 Luật Tố cáo 2018).
Trong quá trình Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xử lý khiếu nại, tố cáo mà xác minh có hành vi vi phạm, người sử dụng lao động sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định, đồng thời còn phải giải quyết quyền lợi chính đáng cho người lao động.
4. Nếu NSDLĐ không trả lương hoặc trả lương làm thêm không đầy đủ cho NLĐ thì sẽ bị xử phạt như thế nào?
Theo khoản 2 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định nếu NSDLĐ có hành vi không trả hoặc trả không đủ tiền lương làm thêm giờ; không trả hoặc trả không đủ tiền lương làm việc vào ban đêm thì sẽ bị phạt tiền theo một trong các mức sau đây:
- Đối với vi phạm từ 01 người đến 10 NLĐ: phạt tiền từ 5 triệu – 10 triệu đồng;
- Đối với vi phạm từ 11 người đến 50 NLĐ: phạt tiền từ 10 triệu – 20 triệu đồng;
- Đối với vi phạm từ 51 người đến 100 NLĐ: phạt tiền từ 20 triệu – 30 triệu đồng;
- Đối với vi phạm từ 101 người đến 300 NLĐ: phạt tiền từ 30 triệu – 40 triệu đồng;
- Đối với vi phạm từ 301 NLĐ trở lên: phạt tiền từ 40 triệu – 50 triệu đồng.
Bên cạnh đó, đối với NSDLĐ là tổ chức thì mức phạt nêu trên sẽ áp dụng gấp 02 lần theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP.
Căn cứ pháp lý:
- Bộ luật Lao động 2019;
- Nghị định 24/2018/NĐ-CP;
- Luật Tố cáo 2018;
- Nghị định 12/2022/NĐ-CP