Từ 01/6/2025 không được hủy hóa đơn đã lập sai đúng không?
17/04/2025
Từ 01/6/2025 không được hủy hóa đơn đã lập sai đúng không? Quy định pháp luật hiện hành như thế nào? Quy trình mới xử lý hóa đơn đã lập sai như thế nào?
1. Từ 01/6/2025 không được hủy hóa đơn đã lập sai đúng không?
Theo Mục 1.8 Công văn 348/CT-CS năm 2025 giới thiệu một trong những điểm mới về thay thế, điều chỉnh hóa đơn điện tử (Điều 19 Nghị định 123/2020/NĐ-CP) như sau:
1.8. Thay thế, điều chỉnh hóa đơn điện tử (Điều 19)
(i) Bỏ quy định hủy hóa đơn đã lập sai
Hiện hành: Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định trường hợp người bán phát hiện hóa đơn điện tử đã được cấp mã của cơ quan thuế chưa gửi cho người mua có sai sót thì người bán hủy hóa đơn đã lập sai và lập hóa đơn mới.
(ii) Bổ sung quy định trước khi điều chỉnh hoặc thay thế hóa đơn điện tử đã lập sai, đối với người mua là doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh: người bán, người mua phải có văn bản thỏa thuận ghi rõ nội dung sai; trường hợp người mua là cá nhân thì người bán thông báo cho người mua hoặc thông báo trên website của người bán;
Hiện hành: Nghị định số 123/2020/NĐ-CP không bắt buộc có văn bản thỏa thuận về việc điều chỉnh hoặc thay thế hóa đơn điện tử lập sai.
(iii) Bổ sung quy định lập 01 hóa đơn để thay thế hoặc điều chỉnh cho nhiều hóa đơn đã lập sai trong cùng tháng của cùng 01 người mua.
…
Theo đó, theo quy định hiện hành, trường hợp người bán phát hiện hóa đơn điện tử đã được cấp mã của cơ quan thuế chưa gửi cho người mua có sai sót thì người bán hủy hóa đơn đã lập sai và lập hóa đơn mới.
Tuy nhiên từ ngày 01/6/2025, quy định này đã bị bãi bỏ. Theo đó, người bán không được hủy hóa đơn đã lập sai.
Tóm lại, từ ngày 01/6/2025, người bán không được hủy hóa đơn đã lập sai mà quy trình mới về xử lý hóa đơn đã lập sai là lập văn bản thỏa thuận giữa người bán và người mua, nêu rõ sai sót và cách điều chỉnh, sau đó lập hóa đơn thay thế/điều chỉnh.
2. Quy trình xử lý hóa đơn đã lập sai mới như thế nào?
Quy trình xử lý hóa đơn đã lập sai theo Nghị định 70/2025/NĐ-CP như sau:
(i) Trường hợp chỉ sai về tên, địa chỉ của người mua:
Người bán thông báo cho người mua và thông báo với cơ quan thuế về hóa đơn điện tử đã lập sai theo Mẫu số 04/SS-HĐĐT Phụ lục IA. Trường hợp này không phải lập lại hóa đơn.
(ii) Trường hợp có sai mã số thuế; sai về số tiền ghi trên hóa đơn, sai về thuế suất, tiền thuế hoặc hàng hóa ghi trên hóa đơn không đúng quy cách, chất lượng:
- Đối với tổ chức/doanh nghiệp: Lập văn bản thỏa thuận (bản giấy hoặc điện tử) giữa người bán và người mua, nêu rõ sai sót (sai tên, mã số thuế, số tiền) và cách điều chỉnh, sau đó lập hóa đơn thay thế/điều chỉnh.
- Đối với cá nhân: Người bán thông báo sai sót trên website/cổng thông tin trong 24 giờ, sau đó điều chỉnh/thay thế hóa đơn.
Ví dụ: Một công ty bán hàng ghi sai mã số thuế của khách từ “0101234567” thành “0101234568”, hai bên ký thỏa thuận ngày 12/6/2025, công ty lập hóa đơn điều chỉnh cùng ngày.
3. File Excel so sánh Nghị định 70/2025/NĐ-CP và Nghị định 123/2020/NĐ-CP về hóa đơn
Theo Công văn 348/CT-CS năm 2025, Nghị định 70/2025/NĐ-CP có một số điểm mới nổi bật như:
- Đối tượng áp dụng.
- Nguyên tắc lập, quản lý, sử dụng hóa đơn chứng từ.
- Các loại hóa đơn.
- Thời điểm lập hóa đơn.
- Nội dung của hóa đơn.
- Hóa đơn khởi tạo từ máy tính tiền.
- Áp dụng hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.
- Thay thế điều chỉnh hóa đơn điện tử.
- Các quy đinh về đăng ký sử dụng và ngừng sử dụng hóa đơn điện tử.
- Các thay đổi liên quan đến chứng từ.
- …