Từ 01/7/2025, người lao động làm việc từ đủ 1 tháng trở lên sẽ được đóng BHXH
09/05/2025
Từ ngày 01/7/2025, NLĐ làm việc mà HĐLĐ có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên là thuộc đối tượng đóng BHXH, cho dù HĐLĐ được hai bên thỏa thuận đặt tên khác.
1. Từ 1 7 2025, người lao động làm việc từ đủ 1 tháng trở lên sẽ được đóng BHXH
Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 (có hiệu lực kể từ 01/7/2025), quy định về người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc như sau:
1. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm:
a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên, kể cả trường hợp người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên;
…
So với đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 (hết hiệu lực ngày 30/6/2025):
1. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:
a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;
b) Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;
...
Như vậy, Luật Bảo hiểm xã hội 2024 đã đơn giản hóa hơn trong quy định, quy định chung là hợp đồng lao động xác định thời hạn cứ có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên là thuộc đối tượng đóng BHXH chứ không phân chia ra các trường hợp như Luật Bảo hiểm xã hội 2014 nữa.
Và Luật Bảo hiểm xã hội 2024 cũng nêu rõ dù hợp đồng không có tên là hợp đồng lao động nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì vẫn thuộc trường hợp phải đóng BHXH.
2. Quyền và trách nhiệm của người tham gia bảo hiểm xã hội
2.1. Quyền của người tham gia bảo hiểm xã hội
Căn cứ khoản 1 Điều 10 Luật Bảo hiểm xã hội 2024, người tham gia bảo hiểm xã hội có các quyền như sau:
a) Hưởng chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật này;
b) Được cấp sổ bảo hiểm xã hội;
c) Được cơ quan bảo hiểm xã hội định kỳ hằng tháng cung cấp thông tin về việc đóng bảo hiểm xã hội thông qua phương tiện điện tử; được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận thông tin về đóng bảo hiểm xã hội khi có yêu cầu;
d) Yêu cầu người sử dụng lao động và các cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện đầy đủ trách nhiệm về bảo hiểm xã hội đối với mình theo quy định của pháp luật;
đ) Được tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội;
e) Chủ động đi khám giám định y khoa để xác định mức suy giảm khả năng lao động nếu thuộc trường hợp đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội và được thanh toán phí giám định y khoa khi kết quả giám định y khoa đủ điều kiện để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật này;
g) Khiếu nại, tố cáo và khởi kiện về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật.
2.2. Trách nhiệm của người tham gia bảo hiểm xã hội
Căn cứ khoản 1 Điều 11 Luật Bảo hiểm xã hội 2024, người tham gia bảo hiểm xã hội có các trách nhiệm sau:
a) Đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật này;
b) Theo dõi việc thực hiện trách nhiệm về bảo hiểm xã hội đối với mình;
c) Thực hiện việc kê khai chính xác, trung thực, đầy đủ thông tin theo đúng quy định về đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội.