Thời gian đi đường được tính thêm vào thời gian nghỉ phép khi nào?
08/03/2022
Trong những ngày nghỉ hằng năm, NLĐ về quê hoặc đi du lịch xa, cần có thời gian đi đường, di chuyển bằng các phương tiện vận chuyển đường dài. Vậy, thời gian đó có thể được xem xét để tính thêm ngoài những ngày nghỉ hằng năm không?
1. Điều kiện để thời gian đi đường được tính thêm vào thời gian nghỉ phép.
Theo quy định tại khoản 6 Điều 113 Bộ luật Lao động 2019 thì khi nghỉ hằng năm, nếu người lao động đi bằng các phương tiện đường bộ, đường sắt, đường thủy mà số ngày đi đường cả đi và về trên 02 ngày thì từ ngày thứ 03 trở đi được tính thêm thời gian đi đường ngoài ngày nghỉ hằng năm và chỉ được tính cho 01 lần nghỉ trong năm.
Như vậy, thời gian đi đường sẽ được tính thêm vào ngày nghỉ hằng năm của NLĐ (ngoài các ngày phép hằng năm được hưởng nguyên lương mà NLĐ được nghỉ phép theo thỏa thuận) khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:
- NLĐ sử dụng một trong các phương tiện đường bộ, đường sắt hoặc đường thủy để đi và về trong thời gian nghỉ phép hằng năm (Không áp dụng đối với các phương tiện hàng không);
- Số ngày đi đường cho cả chuyến đi và về phải trên 02 ngày. Thời gian đi đường được cộng thêm vào ngày nghỉ hằng năm chỉ bắt đầu tính từ ngày thứ 03 trở đi (không ngoại trừ các ngày nghỉ hàng tuần, ngày nghỉ lễ và ngày nghỉ khác có hưởng lương); và
- Việc tính hưởng thêm thời gian đi đường vào ngày nghỉ hằng năm của NLĐ chỉ được áp dụng cho 01 lần nghỉ trong năm.
2. Tiền tàu xe và tiền lương cho những ngày đi đường của NLĐ
Theo quy định tại Điều 67 Nghị định 145/2020/NĐ-CP thì tiền tàu xe và tiền lương cho những ngày đi đường sẽ do NLĐ và NSDLĐ thỏa thuận. Khi nghỉ hằng năm mà chưa đến kì trả lương, NLĐ được quyền xin NSDLĐ tạm ứng một khoản tiền lương ít nhất bằng với tiền lương của những ngày nghỉ. Trong đó tiền lương của những ngày nghỉ sẽ được tính theo tiền lương theo hợp đồng lao động tại thời điểm NLĐ nghỉ hằng năm có hưởng lương.
3. Không trả tiền tàu xe và tiền lương những ngày đi đường của NLĐ thì bị phạt thế nào?
Pháp luật hiện hành chỉ quy định hình thức xử phạt đối với trường hợp NSDLĐ không trả tiền tàu xe, tiền lương những ngày đi đường cho NLĐ là người giúp việc gia đình thôi việc về nơi cư trú. Cụ thể, theo khoản 1 và khoản 2 Điều 30 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định:
- Phạt cảnh cáo đối với NSDLĐ có hành vi không trả tiền tàu xe đi đường khi lao động là người giúp việc gia đình thôi việc về nơi cư trú, trừ trường hợp lao động là người giúp việc gia đình chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn.
- Phạt tiền từ 01 triệu đồng đến 03 triệu đồng nếu đã bị xử phạt cảnh cáo đối với hành vi không trả tiền tàu xe, tiền lương những ngày đi đường khi lao động là giúp việc gia đình thôi việc về nơi cư trú nhưng vẫn tiếp tục vi phạm.
Ngoài ra, tại điểm b Khoản 5, Nghị định 12/2022/NĐ-CP thì NSDLĐ còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc phải trả đủ tiền tàu xe đi đường cho lao động là người giúp việc gia đình.
Căn cứ pháp lý:
- Bộ luật Lao động 2019;
- Nghị định 145/2020/NĐ-CP;
- Nghị định 12/2022/NĐ-CP.