Việc chuyển nhượng hoặc mua lại cổ phần khá phổ biến trong các công ty cổ phần. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều người chưa hiểu đúng về bản chất của hai loại giao dịch này. Vì vậy, bài viết dưới đây sẽ cung cấp các thông tin giúp phân biệt được chuyển nhượng cổ phần với mua lại cổ phần.

1. Khái niệm chuyển nhượng cổ phần và mua lại cổ phần
Chuyển nhượng cổ phần

Hiện nay, pháp luật Việt Nam vẫn chưa có quy định cụ thể về khái niệm chuyển nhượng cổ phần. Tuy nhiên, dựa trên các quy định của Điều 127 Luật Doanh nghiệp 2020, ta có thể hiểu:

Chuyển nhượng cổ phần là việc cổ đông chuyển quyền sở hữu cổ phần của mình cho cổ đông công ty hoặc cá nhân, tổ chức khác thông qua việc mua bán, tặng cho hoặc nhận thừa kế.

Mua lại cổ phần

Tương tự như chuyển nhượng cổ phần, khái niệm về mua lại cổ phần vẫn được bất kỳ một văn bản nào quy định. Tuy nhiên, căn cứ theo Điều 132 và Điều 133 Luật Doanh nghiệp 2020, có thể định nghĩa mua lại cổ phần như sau:

Mua lại cổ phần là việc công ty mua lại cổ phần đã bán cho các cổ đông theo yêu cầu của cổ đông hoặc theo quyết định của công ty.

2. So sánh chuyển nhượng cổ phần và mua lại cổ phần
Giống nhau

Chuyển nhượng cổ phần và mua lại cổ phần đều dẫn đến hậu quả pháp lý là làm thay đổi chủ sở hữu đối với số cổ phần được chuyển nhượng hoặc được mua lại.

Khác nhau

Dưới đây là một số điểm khác nhau cơ bản giữa chuyển nhượng cổ phần và mua lại cổ phần:

Các tiêu chí Chuyển nhượng cổ phần Mua lại cổ phần
Chủ thể

-Bên chuyển nhượng: cổ đông
-Bên nhận chuyển nhượng: các cá nhân, tổ chức có nhu cầu góp vốn vào công ty cổ phần.

-Bên bán: cổ đông
-Bên mua: công ty phát hành cổ phần.
 
Điều kiện

Cổ đông được tự do chuyển nhượng cổ phần, trừ trường hợp:
- Cổ đông sỡ hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết không được phép chuyển nhượng cho người khác, trừ trường hợp chuyển nhượng theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật hoặc thừa kế.

-Trong thời hạn 03 năm kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cổ đông sáng lập chỉ được tự do chuyển nhượng cổ phần phổ thông cho các cổ đông sáng lập. Trường hợp chuyển nhượng cho người không phải là cổ đông sáng lập thì phải có sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ).

Mua lại cổ phần chỉ được tiến hành:

-Theo yêu cầu của cổ đông: trong trường hợp cổ đông đã biểu quyết không thông qua nghị quyết về việc tổ chức lại công ty hoặc thay đổi quyền, nghĩa vụ của cổ đông quy định tại Điều lệ công ty.

Yêu cầu phải được lập thành văn bản và gửi đến công ty trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày ĐHĐCĐ thông qua nghị quyết về các vấn đề trên.

-Theo quyết định của công ty: Công ty có quyền mua lại không quá 30% tổng số cổ phần phổ thông đã bán, một phần hoặc toàn bộ cổ phần ưu đãi cổ tức đã bán.

Lưu ý: Công ty chỉ được thanh toán cổ phần được mua lại nếu ngay sau khi thanh toán hết số cổ phần này, công ty vẫn bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác.

Hậu quả pháp lý

-Không làm thay đổi vốn điều lệ;

-Người nhận chuyển nhượng cổ phần sẽ trở thành cổ đông công ty kể từ thời điểm thông tin của họ được ghi vào sổ đăng ký cổ đông.

-Cổ phần được mua lại được coi là cổ phần chưa bán;

-Công ty phải đăng ký giảm vốn điều lệ tương ứng với tổng mệnh giá các cổ phần được công ty mua lại trong vòng 10 ngày kể từ ngày hoàn thành việc thanh toán mua lại cổ phần, trừ trường hợp pháp luật chứng khoán có quy định khác.

Căn cứ pháp lý:

Luật Doanh Nghiệp 2020.