Nghị định 70/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung nội dung Nghị định 123 quy định về hóa đơn, chứng từ, trong đó có xác định cơ quan thuế cấp hóa đơn điện tử có mã theo từng lần phát sinh.
1. Xác định cơ quan thuế cấp hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế theo từng lần phát sinh
Theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 13 Nghị định 123/2020/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi điểm a khoản 10 Điều 1 Nghị định 70/2025/NĐ-CP), cơ quan thuế có thẩm quyền cấp hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế theo từng lần phát sinh được xác định như sau:

- Đối với tổ chức, doanh nghiệp: Cơ quan thuế quản lý địa bàn nơi tổ chức, doanh nghiệp đăng ký thuế, đăng ký kinh doanh hoặc nơi tổ chức đóng trụ sở hoặc nơi được ghi trong quyết định thành lập hoặc nơi phát sinh việc bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.

- Đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh

+ Đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có địa điểm kinh doanh cố định: Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp hồ sơ đề nghị cấp hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế theo từng lần phát sinh tại Chi cục Thuế quản lý nơi hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh tiến hành hoạt động kinh doanh.

+ Đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không có địa điểm kinh doanh cố định: Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp hồ sơ đề nghị cấp hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế theo từng lần phát sinh tại Chi cục Thuế nơi cá nhân cư trú hoặc nơi hộ kinh doanh, cá nhân đăng ký kinh doanh.

2. Hành vi bị cấm trong lĩnh vực hóa đơn, chứng từ đối với tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ
Theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định 123/2020/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 4 Điều 1 Nghị định 70/2025/NĐ-CP), hành vi bị cấm của tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực hóa đơn, chứng từ bao gồm:

- Thực hiện hành vi gian dối như sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn; làm giả hóa đơn, chứng từ để thực hiện hành vi trái pháp luật.

- Cản trở công chức thuế thi hành công vụ, cụ thể: các hành vi cản trở gây tổn hại sức khỏe, nhân phẩm của công chức thuế khi đang thanh tra, kiểm tra về hóa đơn, chứng từ.

- Truy cập trái phép, làm sai lệch, phá hủy hệ thống thông tin về hóa đơn, chứng từ.

- Đưa hối lộ hoặc thực hiện các hành vi khác liên quan hóa đơn, chứng từ nhằm mưu lợi bất chính.

- Không chuyển dữ liệu điện tử về cơ quan thuế theo quy định tại Nghị định 123/2020/NĐ-CP.

3. Nguyên tắc chung khi xây dựng thông tin hóa đơn, chứng từ
Theo quy định tại Điều 41 Nghị định 123/2020/NĐ-CP, khi xây dựng thông tin hóa đơn, chứng từ phải thực hiện theo nguyên tắc chung sau đây:

1. Hệ thống thông tin về hóa đơn, chứng từ phải được xây dựng và quản lý thống nhất từ trung ương đến địa phương; tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về công nghệ thông tin.

2. Cơ sở dữ liệu hóa đơn, chứng từ phải bảo đảm phục vụ kịp thời cho công tác quản lý thuế, quản lý khác của nhà nước; đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm tính an toàn, bảo mật và an ninh quốc gia.

3. Các thông tin, dữ liệu về hóa đơn, chứng từ được thu thập, cập nhật, duy trì, khai thác và sử dụng thường xuyên; đảm bảo tính chính xác, trung thực và khách quan.

4. Việc xây dựng, quản lý, khai thác sử dụng, cập nhật cơ sở dữ liệu về hóa đơn, chứng từ phải đảm bảo tính chính xác, khoa học, khách quan, kịp thời.

5. Cơ sở dữ liệu hóa đơn, chứng từ được xây dựng và kết nối, chia sẻ trên môi trường điện tử phục vụ quản lý, khai thác, cung cấp, sử dụng thông tin, dữ liệu thuận tiện, hiệu quả.

6. Việc khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu hóa đơn, chứng từ phải đảm bảo đúng mục đích, tuân theo các quy định của pháp luật.

7. Cơ sở dữ liệu về hóa đơn, chứng từ được kết nối, trao đổi với hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương có liên quan.