Khi người lao động áp dụng các biện pháp tránh thai (đặt vòng tránh thai, triệt sản,…) thì có được hưởng chế độ thai sản không?

1. Điều kiện hưởng chế độ thai sản
Theo khoản 1 Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về điều kiện hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau:

- Lao động nữ mang thai;

- Lao động nữ sinh con;

- Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ;

- Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi;

- Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản;

- Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con.

Như vậy, trong thời gian đi làm mà người lao động thực hiện biện pháp tránh thai (đặt vòng tránh thai, triệt sản) thì sẽ được hưởng chế độ thai sản theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội.

2. Nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi triệt sản
Theo Điều 37 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định thời gian hưởng chế độ khi thự chiện các biện pháp tránh thai như sau:

- Đối với lao động nữ đặt vòng tránh thai: 07 ngày;

- Đối với người lao động thực hiện biện pháp triệt sản: 15 ngày.

Lưu ý: Thời gian hưởng chế độ thai sản khi thực hiện các biện pháp tránh thai nêu trên tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.

3. Mức hưởng chế độ thai sản khi triệt sản
Theo điểm a khoản 1 Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định mức hưởng chế độ thai sản khi áp dụng biện pháp triệt sản như sau:

Mức hưởng thai sản = Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản x Số ngày nghỉ/30

Trong đó:

- Mức hưởng một tháng: bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.

- Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 06 tháng: thì mức hưởng chế độ thai sản là mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội.

Căn cứ pháp lý:

Luật Bảo hiểm xã hội 2014