Hiện nay, nhiều doanh nghiệp không thực hiện trả lại sổ cho người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động. Vậy, người lao động cần làm gì để đảm bảo quyền lợi của mình?

1. Trách nhiệm của người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động?
Căn cứ Khoản 5 Điều 21 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì:

Người sử dụng lao động có trách nhiệm phối hợp với cơ quan BHXH trả sổ BHXH cho người lao động, xác nhận thời gian đóng BHXH khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, căn cứ theo quy định tại Điều 48 Bộ luật Lao động 2019 khi NLĐ nghỉ việc thì trong vòng 14-30 ngày NDLĐ phải thanh toán đầy đủ các khoản liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của bạn. Việc trả lại sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động là một trong các trách nhiệm mà người sử dụng lao động phải thực hiện trong thời hạn không quá 30 ngày. Nếu quá thời hạn trên mà công ty không trả sổ bảo hiểm thì NLĐ có quyền khiếu nại đến công ty để được giải quyết theo quy định của pháp luật.

Theo đó, khi hợp đồng lao động chấm dứt, dù trong trường hợp nào, việc doanh nghiệp không chốt, trả sổ bảo hiểm cho người lao động là hoàn toàn trái quy định pháp luật.

2. Trường hợp doanh nghiệp không trả sổ bảo hiểm thì phải làm gì?
Trường hợp sau khi chấm dứt hợp đồng lao động, doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ trả lại giấy tờ cũng như sổ BHXH cho người lao động trong thời gian tối đa 30 ngày thì người lao động có thể thực hiện 01 trong 02 biện pháp sau:

Thứ nhất, thực hiện khiếu nại với cơ quan có thẩm quyền:
Căn cứ theo quy định tại Điều 15 Nghị định 24/2018/NĐ-CP thì:
-Trường hợp doanh nghiệp không thực hiện việc chốt, trả sổ bảo hiểm cho người lao động khi chấm dứt hợp đồng lào động, hợp đồng làm việc, người lao động có thể gửi đơn khiếu nại lần đầu đến giám đốc của doanh nghiệp để được giải quyết.

- Trong trường hợp, sau 07 làm việc kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại, doanh nghiệp không giải quyết khiếu nại hoặc giải quyết nhưng người lao động không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu thì người lao động có thể gửi đơn khiếu nại lần hai đến Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nơi người sử dụng lao động đặt trụ sở chính.

Thứ hai, gửi đơn khởi kiện trực tiếp đến Tòa án:
Trong trường hợp người lao động nhận định rằng không thể thực hiện khiếu nại đối với hoàn cảnh và tính chất của việc không trả sổ bảo hiểm thì căn cứ Điều 32 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 được sửa đổi bởi điểm a khoản 2 Điều 219 Bộ luật lao động 2019 về thẩm quyền giải quyết của Tòa án:

1. Tranh chấp lao động cá nhân giữa người lao động với người sử dụng lao động phải thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động mà hòa giải thành nhưng các bên không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, hòa giải không thành hoặc hết thời hạn hòa giải theo quy định của pháp luật về lao động mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải, trừ các tranh chấp lao động sau đây không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải:
...
d) Về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, về bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về việc làm, về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động

Theo đó, người lao động có thể trực tiếp khởi kiện ra Tòa án quận/huyện nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính yêu cầu xử lý theo quy định của pháp luật để đòi lại quyền lợi của mình khi doanh nghiệp không trả lại sổ bảo hiểm cho mình.

Căn cứ pháp lý:

- Bộ luật Lao động 2019;

- Bộ luật Tố tụng dân sự 2015;

- Luật Bảo hiểm xã hội 2014;

- Nghị định 24/2018/NĐ-CP.