Hộ kinh doanh có được xuất hóa đơn giá trị gia tăng (hóa đơn GTGT hay còn gọi là hóa đơn VAT) năm 2024 hay không? Bảo quản, lưu trữ hóa đơn được quy định như thế nào?
1. Hộ kinh doanh có được xuất hóa đơn giá trị gia tăng?
Căn cứ khoản 1 Điều 8 Nghị định 123/2020/NĐ-CP, hóa đơn giá trị gia tăng là hóa đơn dành cho các tổ chức khai thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ sử dụng cho các hoạt động:

(i) Bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trong nội địa.

(ii) Hoạt động vận tải quốc tế.

(iii) Xuất vào khu phi thuế quan và các trường hợp được coi như xuất khẩu.

(iv) Xuất khẩu hàng hóa, cung cấp dịch vụ ra nước ngoài.

Đồng thời căn cứ khoản 2 Điều 10 Luật Thuế giá trị gia tăng 2008 (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 4 Điều 1 Luật số 31/2013/QH13), phương pháp khấu trừ thuế áp dụng đối với cơ sở kinh doanh thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hoá đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật về kế toán, hoá đơn, chứng từ bao gồm:

(i) Cơ sở kinh doanh có doanh thu hàng năm từ bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ từ một tỷ đồng trở lên, trừ hộ, cá nhân kinh doanh.

(ii) Cơ sở kinh doanh đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế, trừ hộ, cá nhân kinh doanh.

Theo đó, hộ kinh doanh không thuộc đối tượng kê khai thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ thuế nên hộ kinh doanh không thể xuất hóa đơn giá trị gia tăng (hóa đơn VAT).

2. Bảo quản, lưu trữ hóa đơn được quy định như thế nào?
Căn cứ Điều 6 Nghị định 123/2020/NĐ-CP, hóa đơn, chứng từ được bảo quản, lưu trữ đảm bảo:

(i) Tính an toàn, bảo mật, toàn vẹn, đầy đủ, không bị thay đổi, sai lệch trong suốt thời gian lưu trữ.

(ii) Lưu trữ đúng và đủ thời hạn theo quy định của pháp luật kế toán.

Cụ thể quy định về việc bảo quản, lưu trữ đối với các loại hóa đơn như sau:

2.1. Đối với hóa đơn điện tử
Hóa đơn điện tử, chứng từ điện tử được bảo quản, lưu trữ bằng phương tiện điện tử. Cơ quan, tổ chức, cá nhân được quyền lựa chọn và áp dụng hình thức bảo quản, lưu trữ hóa đơn điện tử, chứng từ điện tử phù hợp với đặc thù hoạt động và khả năng ứng dụng công nghệ. Hóa đơn điện tử, chứng từ điện tử phải sẵn sàng in được ra giấy hoặc tra cứu được khi có yêu cầu.

2.2. Đối vơi hóa đơn do cơ quan thuế đặt in
Hóa đơn do cơ quan thuế đặt in, chứng từ đặt in, tự in phải bảo quản, lưu trữ đúng với yêu cầu sau:

(i) Hóa đơn, chứng từ chưa lập được lưu trữ, bảo quản trong kho theo chế độ lưu trữ bảo quản chứng từ có giá.

(ii) Hóa đơn, chứng từ đã lập trong các đơn vị kế toán được lưu trữ theo quy định lưu trữ, bảo quản chứng từ kế toán.

(iii) Hóa đơn, chứng từ đã lập trong các tổ chức, hộ, cá nhân không phải là đơn vị kế toán được lưu trữ và bảo quản như tài sản riêng của tổ chức, hộ, cá nhân đó.

Điều 8. Loại hóa đơn - Nghị định 123/2020/NĐ-CP

...

2. Hóa đơn bán hàng là hóa đơn dành cho các tổ chức, cá nhân như sau:

a) Tổ chức, cá nhân khai, tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp sử dụng cho các hoạt động:

- Bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trong nội địa;

- Hoạt động vận tải quốc tế;

- Xuất vào khu phi thuế quan và các trường hợp được coi như xuất khẩu;

- Xuất khẩu hàng hóa, cung cấp dịch vụ ra nước ngoài.

b) Tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ vào nội địa và khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ giữa các tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan với nhau, xuất khẩu hàng hóa, cung cấp dịch vụ ra nước ngoài, trên hóa đơn ghi rõ “Dành cho tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan”.

...