Năm 2023 sẽ thanh tra và xử lý nghiêm sai phạm về đóng bảo hiểm xã hội
03/11/2022
Có phải trong năm 2023, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ tiến hành thanh tra việc tham gia đóng bảo hiểm xã hội tại các doanh nghiệp hay không?
Ngày 01/11/2022, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Công văn 4388/LĐTBXH-TTr hướng dẫn công tác thanh tra năm 2023.
Trên cơ sở kế hoạch thanh tra năm 2023 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2023.
Theo đó, Công văn 4388/LĐTBXH-TTr đề cập đến nội dung thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về bảo hiểm xã hội và lao động, an toàn, vệ sinh lao động tại doanh nghiệp. Cụ thể như sau:
1. Lĩnh vực bảo hiểm xã hội
Năm 2023, toàn quốc tập trung thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tại cơ quan Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh, cấp huyện; thanh tra toàn bộ doanh nghiệp/đơn vị nợ đọng, trốn đóng, chậm đóng, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với 100% doanh nghiệp/đơn vị có hành vi vi phạm trên địa bàn quản lý.
2. Lĩnh vực lao động, an toàn, vệ sinh lao động
- Thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật lao động, an toàn, vệ sinh lao động tại các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực nhiều nguy cơ mất an toàn lao động, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, tập trung lĩnh vực sản xuất thép; hóa chất; xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng; sử dụng nhiều máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; lĩnh vực có nguy cơ phát sinh bệnh nghề nghiệp, yếu tố gây nguy hiểm cho người lao động; sử dụng nhiều lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
- Tiếp tục triển khai, hướng dẫn tự kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động trên trang thông tin điện tử http://tukiemtraphapluatlaodong.gov.vn theo quy định tại Thông tư 17/2018/TT-BLĐTBXH ngày 17/10/2018 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; tổng hợp tình hình tự kiểm tra tại các cơ sở lao động đóng trên địa bàn báo cáo Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Điều 6. Trình tự tiến hành tự kiểm tra - Thông tư 17/2018/TT-BLĐTBXH Căn cứ thời gian và kế hoạch tự kiểm tra đã xác định, người sử dụng lao động thành lập đoàn tự kiểm tra, đồng thời đăng ký tài khoản trên trang thông tin điện tử để lấy phiếu tự kiểm tra làm nội dung tự kiểm tra. Thành phần đoàn tự kiểm tra gồm: đại diện người sử dụng lao động làm trưởng đoàn; thành viên đoàn là cán bộ lao động, tiền lương, cán bộ an toàn, vệ sinh lao động; đại diện người lao động và thành phần khác có liên quan do người sử dụng lao động tự quyết định. Đoàn tự kiểm tra tiến hành đối chiếu với các quy định pháp luật lao động hiện hành tương ứng theo từng nội dung tự kiểm tra để phân tích, so sánh và kết luận doanh nghiệp có tuân thủ pháp luật lao động hay không và đưa ra biện pháp khắc phục nội dung không tuân thủ (nếu có). Mẫu kết luận tự kiểm tra được đăng trên trang thông tin điện tử, được cập nhật thường xuyên khi có sự thay đổi của pháp luật lao động. Đối với những nội dung cần phải đến hiện trường sản xuất, kinh doanh, nơi làm việc của người lao động thì đoàn tự kiểm tra đến để xem xét, kiểm tra, cần thiết có giải pháp khắc phục ngay những vi phạm (nếu có). Hồ sơ tự kiểm tra gồm phiếu tự kiểm tra, kết luận tự kiểm tra, văn bản thành lập đoàn tự kiểm tra của doanh nghiệp và các tài liệu, hồ sơ phát sinh trong quá trình tự kiểm tra phải được lưu giữ trong hồ sơ quản lý doanh nghiệp để làm căn cứ theo dõi, phân tích, đưa ra các chính sách, giải pháp nhằm nâng cao tuân thủ pháp luật lao động tại doanh nghiệp. |