Nhiều NLĐ muốn tạo ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng nên đã mượn hồ sơ của bạn bè, đồng nghiệp cũ để tham gia phỏng vấn, ký kết hợp đồng lao động và tham gia bảo hiểm xã hội. Vậy trường hợp này thì bị xử lý như thế nào? 
1. Khi giao kết hợp đồng lao động cần lưu ý những nguyên tắc nào?
Trước khi nhận NLĐ vào làm việc thì NSDLĐ phải giao kết hợp đồng lao động với NLĐ về công việc, mức lương, các chế độ, chính sách phúc lợi dành cho người lao động. Bên cạnh đó, theo Điều 15 Bộ luật Lao động 2019 cũng quy định 02 nguyên tắc khi giao kết hợp đồng lao động gồm có:

- Tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác và trung thực; và

- Tự do giao kết hợp đồng lao động nhưng không được trái pháp luật, thỏa ước lao động tập thể và đạo đức xã hội.

Điều 16 Bộ luật Lao động 2019 quy định nghĩa vụ cung cấp thông tin khi giao kết hợp đồng lao động như sau:

- Đối với NSDLĐ: phải cung cấp thông tin trung thực cho NLĐ về công việc, địa điểm làm việc, điều kiện làm việc, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn, vệ sinh lao động, tiền lương, hình thức trả lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, quy định về bảo vệ bí mật kinh doanh, bảo vệ bí mật công nghệ và vấn đề khác liên quan trực tiếp đến việc giao kết hợp đồng lao động mà NLĐ yêu cầu.

- Đối với NLĐ: phải cung cấp thông tin trung thực cho người sử dụng lao động về họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, trình độ học vấn, trình độ kỹ năng nghề, xác nhận tình trạng sức khỏe và vấn đề khác liên quan trực tiếp đến việc giao kết hợp đồng lao động mà người sử dụng lao động yêu cầu.

 2. Mượn hồ sơ của người khác để giao kết hợp đồng lao động thì bị xử lý như thế nào?
Nếu NLĐ cung cấp không trung thực thông tin theo quy định nêu trên khi giao kết hợp đồng lao động làm ảnh hưởng đến việc tuyển dụng thì NSDLĐ có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ theo điểm g khoản 1 Điều 36 Bộ luật Lao động 2019.

Theo khoản 4 Điều 10 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định hành vi gian lận, giả mạo hồ sơ trong việc thực hiện bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp là một trong những hành vi bị nghiêm cấm và tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật (khoản 2 Điều 122 Luật Bảo hiểm xã hội 2014).

Ngoài ra, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vừa ban hành Công văn 1767/LĐTBXH-BHXH ngày 31/5/2022 về việc người lao động mượn hồ sơ của người khác để giao kết HĐLĐ. Theo nội dung công văn này, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã nhận được phản ánh của một số địa phương về tình trạng người lao động mượn hồ sơ người khác để giao kết hợp đồng lao động và tham gia bảo hiểm xã hội trong thời gian qua.

Theo đó, ý kiến của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã có ý kiến cho rằng: việc người lao động mượn hồ sơ người khác để giao kết hợp đồng lao động là vi phạm nguyên tắc "trung thực" tại khoản 1 Điều 15 của Bộ luật Lao động 2019 và vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin khi giao kết hợp đồng lao động tại khoản 2 Điều 16 của Bộ luật Lao động. Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 49 của Bộ luật Lao động, đây là trường hợp hợp đồng vô hiệu toàn bộ.

Tòa án nhân dân là cơ quan có quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu. Việc xử lý hợp đồng vô hiệu toàn bộ do người giao kết không đúng thẩm quyền hoặc vi phạm nguyên tắc giao kết thực hiện theo khoản 2 Điều 51 của Bộ luật Lao động và Điều 10 Nghị định 145/2020/NĐ-CP.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, cơ quan bảo hiểm xã hội và các cơ quan có liên quan thông tin, tuyên truyền để người lao động, sử dụng lao động thực hiện đúng quy định của pháp luật lao động.

Ngoài ra, các cơ quan cần thường xuyên kiểm tra, thanh tra để kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam chỉ đạo cơ quan bảo hiểm các tỉnh, thành phố rà soát, kịp thời phát hiện và xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Căn cứ pháp lý

- Bộ luật Lao động 2019;

- Luật Bảo hiểm xã hội 2014;

- Nghị định 145/2020/NĐ-CP.