Do tôi chỉ mới tốt nghiệp cấp hai nên có mượn bằng cấp ba và các giấy tờ khác của anh trai để xin vào làm tại một công ty. Việc làm này bị xử phạt như thế nào?
1. Mượn giấy tờ, bằng cấp của người khác để xin việc là hành vi trái pháp luật?
Khoản 2 Điều 16 Bộ luật Lao động 2019 quy định về nghĩa vụ cung cấp thông cấp thông tin khi giao kết hợp đồng lao động như sau:

“Điều 16. Nghĩa vụ cung cấp thông tin khi giao kết hợp đồng lao động

...

2. người lao động phải cung cấp thông tin trung thực cho người sử dụng lao động về họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, trình độ học vấn, trình độ kỹ năng nghề, xác nhận tình trạng sức khỏe và vấn đề khác liên quan trực tiếp đến việc giao kết hợp đồng lao động mà người sử dụng lao động yêu cầu.”

Như vậy, trường hợp của bạn, việc mượn bằng cấp, giấy tờ tùy thân của anh trai để xin vào làm việc tại một công ty là hành vi vi phạm quy định pháp luật về lao động, cụ thể là vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin khi giao kết hợp đồng lao động.

2. Mượn giấy tờ, bằng cấp của người khác để xin việc thì bị phạt ra sao?
Tại điểm đ khoản 4 Điều 10 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với việc mượn, cho mượn Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân (CMND), thẻ Căn cước công dân (CCCD) để thực hiện hành vi trái pháp luật như sau:

“Điều 10. Vi phạm quy định về cấp, quản lý, sử dụng Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân

...

4. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

...

đ) Mượn, cho mượn Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật.

...

6. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc nộp lại Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân hoặc Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 2 và điểm đ khoản 4 Điều này;

b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính quy định tại các điểm a, c, d và đ khoản 4 Điều này.”

Đồng thời, tại khoản 1 Điều 23 Nghị định 04/2021/NĐ-CP về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về sử dụng văn bằng, chứng chỉ như sau:

“Điều 23. Vi phạm quy định về sử dụng và công khai thông tin cấp văn bằng, chứng chỉ thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Sử dụng văn bằng, chứng chỉ của người khác;

b) Cho người khác sử dụng văn bằng, chứng chỉ của mình;

...”

Theo đó, việc mượn bằng cấp, giấy tờ tùy thân của người khác để xin việc thì cả người mượn và người cho mượn đều sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, cụ thể như sau:

- Đối với hành vi mượn, cho mượn CMND, thẻ CCCD:

+ Bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng.

+ Buộc nộp lại CMND, thẻ CCCD hoặc Giấy xác nhận số CMND và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm này gây ra.

- Đối với hành vi vi phạm quy định về sử dụng văn bằng, chứng chỉ: phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

(Căn cứ khoản 2 Điều 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP  và điểm b khoản 3 Điều 3 Nghị định 04/2021/NĐ-CP).

3. Hậu quả pháp lý của việc mượn giấy tờ, bằng cấp của người khác để xin việc là gì?
Căn cứ theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 36 Bộ luật Lao động 2019, khi người lao động cung cấp không trung thực thông tin theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Bộ luật Lao động 2019 (nêu tại Mục 1 bên trên) khi giao kết hợp đồng lao động làm ảnh hưởng đến việc tuyển dụng người lao động thì người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.

Tuy nhiên, khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp này, người sử dụng lao động phải báo trước cho người lao động như sau:

- Ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn;

- Ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng;

- Ít nhất 03 ngày làm việc đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng và đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này;

- Đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước được thực hiện theo quy định của Chính phủ.

(Căn cứ khoản 2 Điều 36 Bộ luật Lao động 2019).