Dưới đây là thông tin về mức phạt đối với hành vi làm mất, cháy và hỏng hóa đơn theo quy định tại Nghị định 125/2020/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn.
1. Mức phạt khi làm mất, cháy, hỏng hóa đơn hiện nay
Căn cứ Điều 26 Nghị định 125/2020/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 4 Điều 1 Nghị định 102/2021/NĐ-CP), mức phạt khi làm mất, cháy, hỏng hóa đơn hiện nay như sau:

STT Hành vi vi phạm Mức phạt
1

- Làm mất, cháy hỏng hóa đơn đã lập (trừ liên giao cho khách hàng) trong quá trình sử dụng, đã kê khai, nộp thuế, có hồ sơ chứng từ chứng minh việc mua bán hàng hóa, dịch vụ và có tình tiết giảm nhẹ.

- Làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập sai, đã xóa bỏ và người bán đã lập hóa đơn khác thay thế cho hóa đơn lập sai, xóa bỏ này.

Phạt cảnh cáo
2

- Làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập (liên giao cho khách hàng) trong quá trình sử dụng, người bán đã kê khai, nộp thuế, có hồ sơ, tài liệu, chứng từ chứng minh việc mua bán hàng hóa, dịch vụ và có tình tiết giảm nhẹ.

Lưu ý: Trường hợp người mua làm mất, cháy, hỏng hóa đơn phải có biên bản của người bán và người mua ghi nhận sự việc.

Phạt từ 3-5 triệu đồng
3

- Làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã phát hành, đã mua của cơ quan thuế nhưng chưa lập.

- Làm mất, cháy, hỏng hoá đơn đã lập (liên giao cho khách hàng) trong quá trình sử dụng, người bán đã kê khai, nộp thuế, có hồ sơ, tài liệu, chứng từ chứng minh việc mua bán hàng hóa, dịch vụ.

Lưu ý: Trường hợp người mua làm mất, cháy, hỏng hóa đơn phải có biên bản của người bán và người mua ghi nhận sự việc.

- Làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập nhưng chưa khai thuế.

Lưu ý: Các bên liên quan phải lập biên bản ghi nhận việc mất, cháy, hỏng hóa đơn.

Phạt từ 4-8 triệu đồng
4 - Làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập, đã khai thuế trong quá trình sử dụng hoặc trong thời gian lưu trữ, trừ trường hợp quy định tại các Mục 1, 2, 3 nêu trên. Phạt từ 5-10 triệu đồng


Lưu ý: Trường hợp mất, cháy, hỏng hóa đơn tại Mục 2 và ý 2 Mục 3 do lỗi của bên thứ ba, nếu bên thứ ba thực hiện giao dịch với người bán thì người bán là đối tượng bị xử phạt, nếu bên thứ ba thực hiện giao dịch với người mua thì người mua là đối tượng bị xử phạt.

Người bán hoặc người mua và bên thứ ba lập biên bản ghi nhận sự việc mất, cháy, hỏng hóa đơn.

2. Hành vi bị cấm trong lĩnh vực hóa đơn, chứng từ
2.1. Đối với công chức thuế

Căn cứ khoản 1 Điều 5 Nghị định 123/2020/NĐ-CP, công chức thuê không được:

(i) Gây phiền hà, khó khăn cho tổ chức, cá nhân đến mua hóa đơn, chứng từ.

(ii) Có hành vi bao che, thông đồng cho tổ chức, cá nhân để sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp.

(iii) Nhận hối lộ khi thanh tra, kiểm tra về hóa đơn.

2.2. Đối với tổ chức, cá nhân bán, cung cấp hàng hóa, dịch vụ, tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan
Căn cứ khoản 2 Điều 5 Nghị định 123/2020/NĐ-CP, tổ chức, cá nhân bán, cung cấp hàng hóa, dịch vụ, tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan không được:

(i) Thực hiện hành vi gian dối như sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn.

(ii) Cản trở công chức thuế thi hành công vụ, cụ thể các hành vi cản trở gây tổn hại sức khỏe, nhân phẩm của công chức thuế khi đang thanh tra, kiểm tra về hóa đơn, chứng từ.

(iii) Truy cập trái phép, làm sai lệch, phá hủy hệ thống thông tin về hóa đơn, chứng từ.

(iv) Đưa hối lộ hoặc thực hiện các hành vi khác liên quan hóa đơn, chứng từ nhằm mưu lợi bất chính.