Xin hỏi hành vi xuất hóa đơn khống mức phạt hành chính là bao nhiêu? Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn là bao lâu?
1. Hóa đơn khống là gì?
Theo quy định tại điểm b, khoản 2 Điều 4 Nghị định 125/2020/NĐ-CP thì hóa đơn khống là hóa đơn đã ghi các chỉ tiêu, nội dung nghiệp vụ kinh tế nhưng việc mua bán hàng hóa, dịch vụ không có thật một phần hoặc toàn bộ.

Vì vậy, sử dụng hóa đơn khống là hành vi sử dụng không hợp pháp hóa đơn.

2. Sử dụng không hợp pháp hóa đơn là gì?
Sử dụng hóa đơn, chứng từ trong các trường hợp sau đây là hành vi sử dụng không hợp pháp hóa đơn, chứng từ:

- Hóa đơn, chứng từ không ghi đầy đủ các nội dung bắt buộc theo quy định; hóa đơn tẩy xóa, sửa chữa không đúng quy định;

- Hóa đơn, chứng từ khống (hóa đơn, chứng từ đã ghi các chỉ tiêu, nội dung nghiệp vụ kinh tế nhưng việc mua bán hàng hóa, dịch vụ không có thật một phần hoặc toàn bộ); hóa đơn phản ánh không đúng giá trị thực tế phát sinh hoặc lập hóa đơn khống, lập hóa đơn giả;

- Hóa đơn có sự chênh lệch về giá trị hàng hóa, dịch vụ hoặc sai lệch các tiêu thức bắt buộc giữa các liên của hóa đơn;

- Hóa đơn để quay vòng khi vận chuyển hàng hóa trong khâu lưu thông hoặc dùng hóa đơn của hàng hóa, dịch vụ này để chứng minh cho hàng hóa, dịch vụ khác;

- Hóa đơn, chứng từ của tổ chức, cá nhân khác (trừ hóa đơn của cơ quan thuế và trường hợp được ủy nhiệm lập hóa đơn) để hợp thức hóa hàng hóa, dịch vụ mua vào hoặc hàng hóa, dịch vụ bán ra;

- Hóa đơn, chứng từ mà cơ quan thuế hoặc cơ quan công an.

(Khoản 2 Điều 4 Nghị định 125/2020/NĐ-CP)

3. Mức phạt hành chính hành vi sử dụng hóa đơn khống?
Tại Điều 28 Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt đối với hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn như sau:

- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn quy định tại Điều 4 Nghị định 125/2020/NĐ-CP, trừ trường hợp được quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 16 và điểm d khoản 1 Điều 17 Nghị định 125/2020/NĐ-CP.

- Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc hủy hóa đơn đã sử dụng.

Như vậy, hành vi sử dụng hóa đơn khống tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà có thể bị xử phạt hành chính lên đến 50.000.000 đồng.

4. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn
Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn được quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 8 Nghị định 125/2020/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 102/2021/NĐ-CP) như sau:

- Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn là 02 năm.

- Thời điểm tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn được quy định như sau:

Đối với hành vi vi phạm hành chính đang được thực hiện quy định tại điểm c khoản 1 Điều 8 Nghị định 125/2020/NĐ-CP thì thời hiệu được tính từ ngày người có thẩm quyền thi hành công vụ phát hiện hành vi vi phạm.

Đối với hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc quy định tại điểm d khoản 1 Điều 8 Nghị định 125/2020/NĐ-CP thì thời hiệu được tính từ ngày chấm dứt hành vi vi phạm.

- Hành vi vi phạm hành chính về hóa đơn đang được thực hiện là các hành vi quy định tại khoản 4 Điều 21; điểm b khoản 2 và khoản 3 Điều 23; khoản 2, khoản 5 Điều 24; điểm b khoản 3 Điều 25; điểm b khoản 2 và điểm b, c, d khoản 3 Điều 27; điểm b khoản 5 Điều 29; điểm b khoản 3 Điều 30 Nghị định 125/2020/NĐ-CP.

- Hành vi vi phạm hành chính về hóa đơn không thuộc trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 8 Nghị định 125/2020/NĐ-CP là hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc. Thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm là ngày thực hiện hành vi vi phạm đó.

Đối với hành vi mất, cháy, hỏng hóa đơn nếu không xác định được ngày mất, cháy, hỏng hóa đơn thì thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm là ngày phát hiện hóa đơn bị mất, cháy, hỏng.

Đối với hành vi vi phạm về thời hạn thông báo, báo cáo về hóa đơn quy định tại khoản 1, 3 Điều 21; điểm a, b khoản 1 và điểm c, d khoản 2 Điều 23; khoản 1, 2 và điểm a khoản 3 Điều 25; khoản 1, điểm a khoản 2, khoản 3, khoản 4 và điểm a khoản 5 Điều 29 Nghị định 125/2020/NĐ-CP thì thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm là ngày người nộp thuế nộp thông báo, báo cáo về hóa đơn.