Một số điều cần lưu ý khi bán doanh nghiệp tư nhân năm 2022
18/03/2022
Doanh nghiệp tư nhân là loại hình doanh nghiệp được lựa chọn phổ biến nhất tại Việt Nam. Điều này dẫn đến tình trạng bán doanh nghiệp tư nhân diễn ra ngày càng nhiều giữa các chủ thể. Vì vậy, bài viết dưới đây sẽ cung cấp một số điều cần lưu ý khi bán doanh nghiệp tư nhân dựa trên các quy định mới nhất hiện nay.
1. Bán doanh nghiệp tư nhân là gì?
Tại Điều 192 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về bán doanh nghiệp như sau:
“Điều 192. Bán doanh nghiệp tư nhân
1. Chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền bán doanh nghiệp tư nhân của mình cho cá nhân, tổ chức khác.
2. Sau khi bán doanh nghiệp tư nhân, chủ doanh nghiệp tư nhân vẫn phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp tư nhân phát sinh trong thời gian trước ngày chuyển giao doanh nghiệp, trừ trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân, người mua và chủ nợ của doanh nghiệp tư nhân có thỏa thuận khác.
3. Chủ doanh nghiệp tư nhân, người mua doanh nghiệp tư nhân phải tuân thủ quy định của pháp luật về lao động.
4. Người mua doanh nghiệp tư nhân phải đăng ký thay đổi chủ doanh nghiệp tư nhân theo quy định của Luật này.”
Hiện nay, vẫn chưa văn bản quy phạm pháp luật nào quy định về khái niệm “bán doanh nghiệp tư nhân”. Tuy nhiên, từ những quy định trên, về bản chất có thể hiểu bán doanh nghiệp tư nhân theo Luật Doanh nghiệp 2020 như sau:
Bán doanh nghiệp tư nhân là việc chuyển quyền sở hữu doanh nghiệp cho người khác. Hay nói cụ thể hơn là chủ doanh nghiệp tư nhân chuyển nhượng toàn bộ tài sản còn lại (bao gồm phần vốn góp) của doanh nghiệp cho người khác dẫn đến việc thay đổi chủ sở hữu của doanh nghiệp.
2. Thủ tục bán doanh nghiệp tư nhân
Thứ nhất, đăng ký thay đổi chủ doanh nghiệp tư nhân
Sau khi tiến hành việc mua bán, căn cứ quy định tại Khoản 4 Điều 192 Luật Doanh nghiệp 2020, người mua doanh nghiệp tư nhân phải đăng ký thay đổi chủ doanh nghiệp tư nhân.
Theo quy định tại Điều 54 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, thủ tục đăng ký thay đổi chủ doanh nghiệp tư nhân được tiến hành như sau:
Thời hạn nộp hồ sơ: Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày thay đổi chủ sở hữu.
Hồ sơ cần chuẩn bị:
- Thông báo thay đổi chủ doanh nghiệp tư nhân có chữ ký của người bán và người mua (theo mẫu quy định tại Phụ lục II-3 ban hành kèm theo Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT);
- Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người mua;
- Hợp đồng mua bán hoặc các giấy tờ chứng minh hoàn tất việc mua bán.
Nơi nộp hồ sơ:
Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.
Thời hạn giải quyết:
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Phòng Đăng ký kinh doanh kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mới.
Thứ hai, xây dựng phương án sử dụng lao động
Căn cứ Điều 43 và Điều 44 Bộ luật Lao động 2019 quy định về nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi bán doanh nghiệp như sau:
- Trường hợp bán doanh nghiệp tư nhân mà ảnh hưởng đến việc làm của nhiều người lao động thì người sử dụng lao động phải xây dựng phương án sử dụng lao động bao gồm các nội dung quy định tại Khoản 1 Điều 44 Bộ luật Lao động 2019;
- Khi xây dựng phương án, người sử dụng lao động phải trao đổi ý kiến với tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở (nếu có);
- Phương án sử dụng lao động phải được thông báo công khai cho người lao động biết trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày được thông qua;
- Người sử dụng lao động hiện tại và người sử dụng lao động kế tiếp có trách nhiệm thực hiện phương án sử dụng lao động đã được thông qua;
- Người lao động bị thôi việc thì được nhận trợ cấp mất việc làm.
3. Hậu quả pháp lý sau khi bán doanh nghiệp tư nhân
- Thay đổi chủ sở hữu của doanh nghiệp tư nhân (chuyển từ người bán sang người mua);
- Người bán vẫn phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp phát sinh trong thời gian trước ngày chuyển giao doanh nghiệp, trừ trường hợp có thỏa thuận khác với người mua và chủ nợ của doanh nghiệp.
Căn cứ pháp lý:
Luật Doanh nghiệp 2020;
Bộ luật Lao động 2019;
Nghị định 01/2021/NĐ-CP;
Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT.