Dưới đây là mẫu thuyết minh báo cáo tài chính theo thông tư 133 được thể hiện tại Mẫu số B09 – DNN, Mẫu số B09 – DNNKLT và Mẫu số B09 – DNSN.
1. Mẫu thuyết minh báo cáo tài chính theo thông tư 133
Mẫu thuyết minh báo cáo tài chính theo thông tư 133 bao gồm các mẫu sau đây:

(i) Mẫu số B09 – DNN: Mẫu thuyết minh báo cáo tài chính áp dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa đáp ứng giả định hoạt động liên tục.

(ii) Mẫu số B09 – DNNKLT: Mẫu thuyết minh báo cáo tài chính áp dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa không đáp ứng giả định hoạt động liên tục.

(iii) Mẫu số B09 - DNSN: Mẫu thuyết minh báo cáo tài chính áp dụng cho các doanh nghiệp siêu nhỏ.

2. Mục đích của bản thuyết minh báo cáo tài chính
Căn cứ tiết 2.5.1 điểm 2.5 khoản 2 Điều 81 Thông tư 133/2016/TT-BTC, mục đích của bản thuyết minh Báo cáo tài chính gồm:

(i) Bản thuyết minh Báo cáo tài chính là một bộ phận hợp thành không thể tách rời của Báo cáo tài chính doanh nghiệp dùng để mô tả mang tính tường thuật hoặc phân tích chi tiết các thông tin số liệu đã được trình bày trong Báo cáo tình hình tài chính, Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, Báo cáo lưu chuyển tiền tệ cũng như các thông tin cần thiết khác.

(ii) Bản thuyết minh Báo cáo tài chính cũng có thể trình bày những thông tin khác nếu doanh nghiệp xét thấy cần thiết cho việc trình bày trung thực, hợp lý Báo cáo tài chính.

3. Nguyên tắc lập và trình bày bản thuyết minh báo cáo tài chính
Căn cứ tiết 2.5.2 điểm 2.5 khoản 2 Điều 81 Thông tư 133/2016/TT-BTC, nguyên tắc lập và trình bày bản thuyết minh Báo cáo tài chính như sau:

(i) Khi lập Báo cáo tài chính, doanh nghiệp phải lập Bản thuyết minh Báo cáo tài chính theo hướng dẫn tại Thông tư 133/2016/TT-BTC.

(ii) Bản thuyết minh báo cáo tài chính của doanh nghiệp phải trình bày những nội dung dưới đây:

- Các thông tin về cơ sở lập và trình bày Báo cáo tài chính và các chính sách kế toán cụ thể được chọn và áp dụng đối với các giao dịch và các sự kiện quan trọng.

- Cung cấp thông tin bổ sung chưa được trình bày trong các Báo cáo tài chính khác, nhưng lại cần thiết cho việc trình bày trung thực và hợp lý tình hình tài chính, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

(iii) Bản thuyết minh Báo cáo tài chính phải được trình bày một cách có hệ thống. Doanh nghiệp được chủ động sắp xếp số thứ tự trong thuyết minh Báo cáo tài chính theo cách thức phù hợp nhất với đặc thù của mình theo nguyên tắc mỗi khoản mục trong Báo cáo tình hình tài chính, Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và Báo cáo lưu chuyển tiền tệ cần được đánh dấu dẫn tới các thông tin liên quan trong Bản thuyết minh Báo cáo tài chính.

Điều 81. Hướng dẫn lập và trình bày Báo cáo tài chính – Thông tư 133/2016/TT-BTC

2.5.4. Nội dung và phương pháp lập các chỉ tiêu

2.5.4.1. Đặc điểm hoạt động của doanh nghiệp

Trong phần này doanh nghiệp cần nêu rõ:

a) Hình thức sở hữu vốn: Công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh hay doanh nghiệp tư nhân.

b) Lĩnh vực kinh doanh: Nêu rõ là sản xuất công nghiệp, kinh doanh thương mại, dịch vụ, xây lắp hoặc tổng hợp nhiều lĩnh vực kinh doanh.

c) Ngành nghề kinh doanh: Nêu rõ hoạt động kinh doanh chính và đặc điểm sản phẩm sản xuất hoặc dịch vụ cung cấp của doanh nghiệp.

d) Chu kỳ sản xuất, kinh doanh thông thường: Trường hợp chu kỳ kéo dài hơn 12 tháng thì thuyết minh thêm chu kỳ sản xuất kinh doanh bình quân của ngành, lĩnh vực.

đ) Đặc điểm hoạt động của doanh nghiệp trong năm tài chính có ảnh hưởng đến Báo cáo tài chính: Nêu rõ những sự kiện về môi trường pháp lý, diễn biến thị trường, đặc điểm hoạt động kinh doanh, quản lý, tài chính, các sự kiện sáp nhập, chia, tách, thay đổi quy mô... có ảnh hưởng đến Báo cáo tài chính của doanh nghiệp.