Lợi nhuận trước thuế là gì? Lợi nhuận trước thuế trong doanh nghiệp được tính bằng công thức như thế nào?

Lợi nhuận trước thuế là gì?
Lợi nhuận trước thuế (hay còn gọi là lợi nhuận kế toán trước thuế hoặc thu nhập trước thúe) là một chỉ tiêu trên Báo cáo kết quả kinh doanh của một doanh nghiệp. Chỉ tiêu này cho biết lợi nhuận mà doanh nghiệp tạo ra trong kỳ trước khi trừ đi chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp.

Nếu chỉ tiêu này lớn hơn 0 cho thấy doanh thu tạo ra đã bù đắp được các chi phí, doanh nghiệp có lợi nhuận.

Ngược lại, nếu chỉ tiêu này nhỏ hơn 0, nghĩa là doanh thu tạo ra không đủ để bù đắp cho các chi phí phát sinh trong kỳ, doanh nghiệp đang bị lỗ.

Lợi nhuận trước thuế cũng là cơ sở để chủ đầu tư nắm được toàn bộ các chỉ số quan trọng, quyết định đầu tư hay không đầu tư vào doanh nghiệp này và giám sát mô hình vận hành trong nội bộ doanh nghiệp khi quyết định đầu tư.

Công thức tính lợi nhuận trước thuế trong doanh nghiệp
Lợi nhuận trước thuế là chỉ tiêu mã số 50 trên Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh theo Thông tư 200/2014/TT-BTC.

Cụ thể, lợi nhuận trước thuế bao gồm tất cả các khoản lợi nhuận thu về từ hoạt động sản xuất kinh doanh, lợi nhuận tài chính và lợi nhuận phát sinh khác. Lợi nhuận trước thuế được tính bằng tổng doanh thu trừ đi chi phí.

Công thức tính lợi nhuận trước thuế:

Lợi nhuận trước thuế = Tổng doanh thu - Chi phí cố định - Chi phí phát sinh

Trong đó:

- Tổng doanh thu là toàn bộ doanh thu được thu về từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp thể hiện trong biên lai, hóa đơn bán ra.

- Chi phí cố định bao gồm giá vốn bỏ ra, chi phí vận chuyển, chi phí sản xuất, chi phí thuê nhân viên, chi phí thuê địa điểm và các khoản chi phí khác có tính chất cố định trong kinh doanh.

- Chi phí phát sinh là tất cả các chi phí phát sinh theo quá trình hoạt động của công ty không theo kế hoạch của doanh nghiệp.

Thu nhập nào của doanh nghiệp sẽ chịu thuế thu nhập doanh nghiệp?
Theo Điều 3 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008, thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2024 bao gồm:

 (i) Thu nhập chịu thuế bao gồm thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và thu nhập khác quy định tại (ii).

(ii) Thu nhập khác bao gồm: thu nhập từ chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng quyền góp vốn; thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản, chuyển nhượng dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền tham gia dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản; thu nhập từ quyền sử dụng tài sản, quyền sở hữu tài sản, kể cả thu nhập từ quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật; thu nhập từ chuyển nhượng, cho thuê, thanh lý tài sản, trong đó có các loại giấy tờ có giá; thu nhập từ lãi tiền gửi, cho vay vốn, bán ngoại tệ; khoản thu từ nợ khó đòi đã xoá nay đòi được; khoản thu từ nợ phải trả không xác định được chủ; khoản thu nhập từ kinh doanh của những năm trước bị bỏ sót và các khoản thu nhập khác.

Doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ở nước ngoài chuyển phần thu nhập sau khi đã nộp thuế thu nhập doanh nghiệp ở nước ngoài của doanh nghiệp về Việt Nam thì đối với các nước mà Việt Nam đã ký Hiệp định tránh đánh thuế hai lần thì thực hiện theo quy định của Hiệp định; đối với các nước mà Việt Nam chưa ký Hiệp định tránh đánh thuế hai lần thì trường hợp thuế thu nhập doanh nghiệp ở các nước mà doanh nghiệp chuyển về có mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn thì thu phần chênh lệch so với số thuế thu nhập doanh nghiệp tính theo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam.