Doanh nghiệp và người lao động ký hợp đồng lao động có thời hạn dưới 03 tháng thì phải thực hiện khấu trừ thuế thu nhập cá nhân như thế nào cho phù hợp?
1. Ký hợp đồng dưới 03 tháng, doanh nghiệp thực hiện khấu trừ thuế TNCN thế nào?
Theo quy định tại điểm i khoản 1 Điều 25 Thông tư 111/2013/TT-BTC, trường hợp doanh nghiệp và người lao động (là cá nhân cư trú) ký hợp đồng lao động dưới 03 tháng và có tổng mức trả thu nhập từ hai triệu (2.000.000) đồng/lần trở lên thì phải thực hiện khấu trừ thuế theo mức 10% trên thu nhập trước khi trả cho cá nhân.

Doanh nghiệp không thực hiện khấu trừ thuế thu nhập cá nhân của người lao động khi người lao động đáp ứng được các điều kiện sau:

- Người lao động chỉ có duy nhất thu nhập thuộc đối tượng phải khấu trừ thuế theo tỷ lệ 10% nêu trên nhưng ước tính tổng mức thu nhập chịu thuế của người lao động sau khi trừ gia cảnh chưa đến mức phải nộp thuế thu nhập cá nhân.

- Người lao động đã làm cam kết theo Mẫu số 08/CK-TNCN (ban hành kèm theo Thông tư 80/2021/TT-BTC) gửi doanh nghiệp để doanh nghiệp làm căn cứ tạm thời chưa khấu trừ thuế thu nhập cá nhân (người lao động làm cam kết phải đăng ký thuế và có mã số thuế tại thời điểm cam kết).

Căn cứ vào bản cam kết của người lao động, kết thúc năm tính thuế, doanh nghiệp vẫn phải tổng hợp danh sách và thu nhập của những người lao động chưa đến mức khấu trừ thuế và nộp cho cơ quan thuế.
2. Các loại thu nhập phải thực hiện khấu trừ thuế TNCN năm 2023?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 28 Nghị định 65/2013/NĐ-CP, các loại thu nhập phải thực hiện khấu trừ thuế thu nhập cá nhân (TNCN) năm 2023 bao gồm:

- Thu nhập của cá nhân không cư trú, bao gồm cả trường hợp không hiện diện tại Việt Nam;

- Thu nhập từ tiền lương, tiền công, tiền thù lao, kể cả tiền thù lao từ hoạt động môi giới;

- Thu nhập của cá nhân từ hoạt động đại lý bảo hiểm, đại lý xổ số, bán hàng đa cấp;

- Thu nhập từ đầu tư vốn;

- Thu nhập từ chuyển nhượng vốn của cá nhân không cư trú, chuyển nhượng chứng khoán;

- Thu nhập từ trúng thưởng;

- Thu nhập từ bản quyền;

- Thu nhập từ nhượng quyền thương mại.

3. Chứng từ khấu trừ thuế TNCN gồm những nội dung gì?
Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 32 Nghị định 123/2020/NĐ-CP có xác định nội dung chứng từ khấu trừ thuế như sau:

“Điều 32. Nội dung chứng từ

1. Chứng từ khấu trừ thuế có các nội dung sau:

a) Tên chứng từ khấu trừ thuế, ký hiệu mẫu chứng từ khấu trừ thuế, ký hiệu chứng từ khấu trừ thuế, số thứ tự chứng từ khấu trừ thuế;

b) Tên, địa chỉ, mã số thuế của người nộp;

c) Tên, địa chỉ, mã số thuế của người nộp thuế (nếu người nộp thuế có mã số thuế);

d) Quốc tịch (nếu người nộp thuế không thuộc quốc tịch Việt Nam);

đ) Khoản thu nhập, thời điểm trả thu nhập, tổng thu nhập chịu thuế, số thuế đã khấu trừ; số thu nhập còn được nhận;

e) Ngày, tháng, năm lập chứng từ khấu trừ thuế;

g) Họ tên, chữ ký của người trả thu nhập.

Trường hợp sử dụng chứng từ khấu trừ thuế điện tử thì chữ ký trên chứng từ điện tử là chữ ký số.”

Như vậy, theo quy định thì chứng từ khấu trừ thuế thu nhập cá nhân phải có những nội dung nêu trên.
 

Điều 4. Giảm thuế - Thông tư 111/2013/TT-BTC

Theo quy định tại Điều 5 Luật thuế Thu nhập cá nhân, Điều 5 Nghị định số 65/2013/NĐ-CP, người nộp thuế gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn, bệnh hiểm nghèo ảnh hưởng đến khả năng nộp thuế thì được xét giảm thuế tương ứng với mức độ thiệt hại nhưng không vượt quá số thuế phải nộp. Cụ thể như sau:

1. Xác định số thuế được giảm

a) Việc xét giảm thuế được thực hiện theo năm tính thuế. Người nộp thuế gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn, bệnh hiểm nghèo trong năm tính thuế nào thì được xét giảm số thuế phải nộp của năm tính thuế đó.

b) Số thuế phải nộp làm căn cứ xét giảm thuế là tổng số thuế thu nhập cá nhân mà người nộp thuế phải nộp trong năm tính thuế, bao gồm:

b.1) Thuế thu nhập cá nhân đã nộp hoặc đã khấu trừ đối với thu nhập từ đầu tư vốn, thu nhập từ chuyển nhượng vốn, thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản, thu nhập từ trúng thưởng, thu nhập từ bản quyền, thu nhập từ nhượng quyền thương mại, thu nhập từ thừa kế; thu nhập từ quà tặng.

b.2) Thuế thu nhập cá nhân phải nộp đối với thu nhập từ kinh doanh và thu nhập từ tiền lương, tiền công.

c) Căn cứ để xác định mức độ thiệt hại được giảm thuế là tổng chi phí thực tế để khắc phục thiệt hại trừ (-) đi các khoản bồi thường nhận được từ tổ chức bảo hiểm (nếu có) hoặc từ tổ chức, cá nhân gây ra tai nạn (nếu có).

d) Số thuế giảm được xác định như sau:

d.1) Trường hợp số thuế phải nộp trong năm tính thuế lớn hơn mức độ thiệt hại thì số thuế giảm bằng mức độ thiệt hại.

d.2) Trường hợp số thuế phải nộp trong năm tính thuế nhỏ hơn mức độ thiệt hại thì số thuế giảm bằng số thuế phải nộp.

2. Thủ tục, hồ sơ xét giảm thuế thực hiện theo văn bản hướng dẫn về quản lý thuế.