Khoản phụ cấp trang phục có tính thuế thu nhập cá nhân không?
19/06/2023
Theo quy định của pháp luật thì khoản phụ cấp trang phục có tính thuế thu nhập cá nhân.
Khoản phụ cấp trang phục có tính thuế thu nhập cá nhân không?
Căn cứ quy định tại Tiết đ.4 Điểm đ Khoản 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC thì phần khoán chi văn phòng phẩm, công tác phí, điện thoại, trang phục,... cao hơn mức quy định hiện hành của Nhà nước thuộc khoản thu nhập phải chịu thuế thu nhập cá nhân.
Mức khoán chi không tính vào thu nhập chịu thuế đối với một số trường hợp như sau:
- Đối với cán bộ, công chức và người làm việc trong các cơ quan hành chính sự nghiệp, Đảng, đoàn thể, Hội, Hiệp hội: mức khoán chi áp dụng theo văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính.
- Đối với người lao động làm việc trong các tổ chức kinh doanh, các văn phòng đại diện: mức khoán chi áp dụng phù hợp với mức xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo các văn bản hướng dẫn thi hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.
- Đối với người lao động làm việc trong các tổ chức quốc tế, các văn phòng đại diện của tổ chức nước ngoài: mức khoán chi thực hiện theo quy định của Tổ chức quốc tế, văn phòng đại diện của tổ chức nước ngoài.
Mặt khác, Theo Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC thì phần chi trang phục bằng hiện vật cho người lao động không có hóa đơn, chứng từ; phần chi trang phục bằng tiền cho người lao động vượt quá 05 (năm) triệu đồng/người/năm sẽ không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.
Trường hợp doanh nghiệp có chi trang phục cả bằng tiền và hiện vật cho người lao động để được tính vào chi phí được trừ thì mức chi tối đa đối với chi bằng tiền không vượt quá 05 (năm) triệu đồng/người/năm, bằng hiện vật phải có hóa đơn, chứng từ.
Đối với những ngành kinh doanh có tính chất đặc thù thì chi phí này được thực hiện theo quy định cụ thể của Bộ Tài chính.
Như vậy, theo các quy định của pháp luật nêu trên, trường hợp người lao động nhận khoản phụ cấp trang phục từ 5 triệu đồng/năm trở xuống thì không tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân, còn phần vượt quá 5 triệu đồng/năm sẽ phải tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân của người lao động.
Khoản chi trang phục có được trừ khi tính thuế TNDN?
Căn cứ quy định pháp luật nêu trên thì khoản chi trang phục cho người lao động có được trừ khi tính thuế TNDN hay không được xác định trong các trường hợp cụ thể như sau:
(1) Trường hợp doanh nghiệp chi trang phục bằng hiện vật cho người lao động:
- Nếu phần chi trang phục bằng hiện vật cho người lao động có hóa đơn, chứng từ thì được được trừ khi tính thuế TNDN.
- Nếu phần chi trang phục bằng hiện vật cho người lao động không có hóa đơn, chứng từ thì phần chi này không được trừ khi tính thuế TNDN.
(2) Trường hợp doanh nghiệp chi trang phục bằng tiền:
- Phần chi trang phục bằng tiền cho người lao động từ 5 triệu đồng/người/năm trở xuống thì sẽ được trừ khi tính thuế TNDN.
- Phần chi trang phục bằng tiền cho người lao động vượt quá 5 triệu đồng/người/năm thì sẽ không được trừ khi tính thuế TNDN.
(3) Trường hợp doanh nghiệp có chi trang phục cả bằng tiền và hiện vật cho người lao động:
Trường hợp doanh nghiệp có chi trang phục cả bằng tiền và hiện vật cho người lao động để được tính vào chi phí được trừ thì mức chi tối đa đối với chi bằng tiền không vượt quá 5 triệu đồng/người/năm, bằng hiện vật phải có hóa đơn, chứng từ.
Đối với phần chi bằng tiền vượt quá 5 triệu đồng/người/năm, phần chi bằng hiện vật không có hóa đơn, chứng từ thì không được trừ khi tính thuế TNDN.