Các cá nhân, tổ chức nước ngoài khi thực hiện đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam mà thuộc các trường hợp phải cấp GCN đăng ký đầu tư theo quy định pháp luật thì phải thực hiện thủ tục như thế nào? 

Thủ tục đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư được thực hiện như sau:

Bước 1: Xác định dự án đầu tư có thuộc các trường hợp xin chấp thuận chủ trương đầu tư không?

Trong quá trình xin cấp giấy chứng nhận đầu tư, nhà đầu tư (NĐT) cần xác định xem dự án đầu tư có rơi vào trường hợp phải xin chủ trương đầu tư theo quy định tại Điều 30, 31, 32 Luật Đầu tư 2020 hay không? Trường hợp cần xin chủ trường đầu tư cho dự án, nhà đầu tư cần tiến hành thủ tục xin chấp thuận chủ trương đầu tư trước khi tiến hành thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư.

Bước 2: Chuẩn bị hồ sơ cho việc xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư

Theo Điều 33 Luật Đầu tư 2020 được hướng dẫn bởi Điều 31 Nghị định 31/2021/NĐ-CP hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư gồm có:

1. Hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư do nhà đầu tư đề xuất bao gồm:

(i) Văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư (bao gồm cả cam kết chịu mọi chi phí, rủi ro nếu dự án không được chấp thuận);

(ii) Tài liệu về tư cách pháp lý của nhà đầu tư;

(iii) Tài liệu chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư gồm ít nhất một trong các tài liệu sau:

- Báo cáo tài chính 02 năm gần nhất của nhà đầu tư;

- Cam kết hỗ trợ tài chính của công ty mẹ;

- Cam kết hỗ trợ tài chính của tổ chức tài chính;

- Bảo lãnh về năng lực tài chính của nhà đầu tư; và/hoặc

- Tài liệu khác chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư.

(iv) Đề xuất dự án đầu tư gồm các nội dung chủ yếu sau: nhà đầu tư hoặc hình thức lựa chọn nhà đầu tư, mục tiêu đầu tư, quy mô đầu tư, vốn đầu tư và phương án huy động vốn, địa điểm, thời hạn, tiến độ thực hiện, thông tin về hiện trạng sử dụng đất tại địa điểm thực hiện dự án và đề xuất nhu cầu sử dụng đất (nếu có), nhu cầu về lao động, đề xuất hưởng ưu đãi đầu tư, tác động, hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án, đánh giá sơ bộ tác động môi trường (nếu có) theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Trường hợp pháp luật về xây dựng quy định lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thì nhà đầu tư được nộp báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thay cho đề xuất dự án đầu tư;

(v) Trường hợp dự án đầu tư không đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thì nộp bản sao giấy tờ về quyền sử dụng đất hoặc tài liệu khác xác định quyền sử dụng địa điểm để thực hiện dự án đầu tư;

(vi) Nội dung giải trình về công nghệ sử dụng trong dự án đầu tư đối với dự án thuộc diện thẩm định, lấy ý kiến về công nghệ theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ;

(vii) Hợp đồng BCC (áp dụng đối với dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC); và

(viii) Tài liệu khác liên quan đến dự án đầu tư, yêu cầu về điều kiện, năng lực của nhà đầu tư theo quy định của pháp luật (nếu có).

2. Hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư do cơ quan nhà nước có thẩm quyền lập bao gồm:

(i) Tờ trình chấp thuận chủ trương đầu tư; và

(ii) Đề xuất dự án đầu tư gồm các nội dung chủ yếu sau: mục tiêu đầu tư, quy mô đầu tư, vốn đầu tư, địa điểm, thời hạn, tiến độ thực hiện, tác động, hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án; thông tin về hiện trạng sử dụng đất tại địa điểm thực hiện dự án, điều kiện thu hồi đất đối với dự án thuộc diện thu hồi đất, dự kiến nhu cầu sử dụng đất (nếu có); đánh giá sơ bộ tác động môi trường (nếu có) theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; dự kiến hình thức lựa chọn nhà đầu tư và điều kiện đối với nhà đầu tư (nếu có); cơ chế, chính sách đặc biệt (nếu có).

Trường hợp pháp luật về xây dựng quy định lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền được sử dụng báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thay cho đề xuất dự án đầu tư.

Bước 3: Nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư

Theo Điều 39 Luật Đầu tư 2020 được hướng dẫn bởi Điều 34 Nghị định 31/2021/NĐ-CP quy định sau khi chuẩn bị xong hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhà đầu tư sẽ nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tại cơ quan đăng ký có thẩm quyền như sau:

(i) Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp nhận, cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với các dự án đầu tư sau:

- Dự án đầu tư ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế;

- Dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao tại những địa phương chưa thành lập Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao.

(ii) Ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế tiếp nhận, cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với các dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, gồm:

- Dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao;

- Dự án đầu tư thực hiện trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế.

(iii) Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi nhà đầu tư đặt hoặc dự kiến đặt trụ sở chính hoặc văn phòng điều hành để thực hiện dự án đầu tư tiếp nhận, cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư sau đây:

- Dự án đầu tư thực hiện trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

- Dự án đầu tư thực hiện đồng thời ở trong và ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế.

- Dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế nơi chưa thành lập Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế hoặc không thuộc phạm vi quản lý của Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế.

Bước 4: Thẩm định hồ sơ và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư

Sau khi hồ sơ cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư được nộp, cơ quan đăng ký sẽ thẩm định hồ sơ, trường hợp hồ sơ hợp lệ cơ quan đăng ký sẽ cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư, trường hợp hồ sơ thiếu xót, cơ quan đăng ký sẽ yêu cầu nhà đầu tư bổ sung hoặc sửa đổi hồ sơ.

Bước 5: Xin cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh

Sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhà đầu tư sẽ nộp hồ sơ tới Sở kế hoạch đầu tư để xin cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Căn cứ pháp lý:

  • Luật Đầu tư 2020;
  • Nghị định 31/2021/NĐ-CP