Hoạt động ngân hàng là gì? Quyền hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng
27/09/2022
Hoạt động ngân hàng là gì? Tổ chức tín dụng được quyền tiến hành những hoạt động ngân hàng nào?
1. Hoạt động ngân hàng là gì?
Hoạt động ngân hàng là việc kinh doanh, cung ứng thường xuyên một hoặc một số các nghiệp vụ sau đây:
- Nhận tiền gửi: Nhận tiền gửi là hoạt động nhận tiền của tổ chức, cá nhân dưới hình thức tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, phát hành chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và các hình thức nhận tiền gửi khác theo nguyên tắc có hoàn trả đầy đủ tiền gốc, lãi cho người gửi tiền theo thỏa thuận.
- Cấp tín dụng: Cấp tín dụng là việc thỏa thuận để tổ chức, cá nhân sử dụng một khoản tiền hoặc cam kết cho phép sử dụng một khoản tiền theo nguyên tắc có hoàn trả bằng nghiệp vụ cho vay, chiết khấu, cho thuê tài chính, bao thanh toán, bảo lãnh ngân hàng và các nghiệp vụ cấp tín dụng khác.
- Cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản: Cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản là việc cung ứng phương tiện thanh toán; thực hiện dịch vụ thanh toán séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng, thư tín dụng và các dịch vụ thanh toán khác cho khách hàng thông qua tài khoản của khách hàng.
(Khoản 12, 13, 14, 15 Điều 4 Luật Các Tổ chức tín dụng 2010)
2. Sử dụng thuật ngữ liên quan đến hoạt động ngân hàng
Tổ chức không phải là tổ chức tín dụng không được phép sử dụng cụm từ hoặc thuật ngữ “tổ chức tín dụng”, “ngân hàng”, “công ty tài chính”, “công ty cho thuê tài chính” hoặc các cụm từ, thuật ngữ khác trong tên của tổ chức, chức danh hoặc trong các phần phụ thêm của tên, chức danh hoặc trong giấy tờ giao dịch hoặc quảng cáo của mình nếu việc sử dụng cụm từ, thuật ngữ đó có thể gây nhầm lẫn cho khách hàng về việc tổ chức của mình là một tổ chức tín dụng.
(Điều 5 Luật Các Tổ chức tín dụng 2010)
3. Hợp tác và cạnh tranh trong hoạt động ngân hàng
- Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được hợp tác và cạnh tranh trong hoạt động ngân hàng và hoạt động kinh doanh khác theo quy định của pháp luật.
- Nghiêm cấm hành vi hạn chế cạnh tranh hoặc hành vi cạnh tranh không lành mạnh có nguy cơ gây tổn hại hoặc gây tổn hại đến việc thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia, an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
(Điều 9 Luật Các Tổ chức tín dụng 2010)
4. Quyền hoạt động ngân hàng của tố chức tín dụng
4.1.Quyền hoạt động ngân hàng của ngân hàng thương mại
Ngân hàng thương mại được thực hiện các hoạt động ngân hàng sau:
- Nhận tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm và các loại tiền gửi khác.
- Phát hành chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu, trái phiếu để huy động vốn trong nước và nước ngoài.
- Cấp tín dụng dưới các hình thức sau đây:
+ Cho vay;
+ Chiết khấu, tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng và giấy tờ có giá khác;
+ Bảo lãnh ngân hàng;
+ Phát hành thẻ tín dụng;
+ Bao thanh toán trong nước; bao thanh toán quốc tế đối với các ngân hàng được phép thực hiện thanh toán quốc tế;
+ Các hình thức cấp tín dụng khác sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.
- Mở tài khoản thanh toán cho khách hàng.
- Cung ứng các phương tiện thanh toán.
- Cung ứng các dịch vụ thanh toán sau đây:
+ Thực hiện dịch vụ thanh toán trong nước bao gồm séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thư tín dụng, thẻ ngân hàng, dịch vụ thu hộ và chi hộ;
+ Thực hiện dịch vụ thanh toán quốc tế và các dịch vụ thanh toán khác sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.
(Điều 98 Luật Các Tổ chức tín dụng 2010)
4.2. Hoạt động ngân hàng của công ty tài chính
Công ty tài chính được thực hiện một hoặc một số hoạt động ngân hàng sau đây:
- Nhận tiền gửi của tổ chức;
- Phát hành chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu, trái phiếu để huy động vốn của tổ chức;
- Vay vốn của tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật; vay Ngân hàng Nhà nước dưới hình thức tái cấp vốn theo quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
- Cho vay, bao gồm cả cho vay trả góp, cho vay tiêu dùng;
- Bảo lãnh ngân hàng;
- Chiết khấu, tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng, các giấy tờ có giá khác;
- Phát hành thẻ tín dụng, bao thanh toán, cho thuê tài chính và các hình thức cấp tín dụng khác sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.
(Điều 108 Luật Các Tổ chức tín dụng 2010)
4.3. Hoạt động ngân hàng của công ty cho thuê tài chính
Công ty cho thuê tài chính được quyền thực hiện các hoạt động ngân hàng sau:
- Nhận tiền gửi của tổ chức.
- Phát hành chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu, trái phiếu để huy động vốn của tổ chức.
- Vay vốn của tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật; vay Ngân hàng Nhà nước dưới hình thức tái cấp vốn theo quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
- Cho thuê tài chính.
- Cho vay bổ sung vốn lưu động đối với bên thuê tài chính.
- Cho thuê vận hành với điều kiện tổng giá trị tài sản cho thuê vận hành không vượt quá 30% tổng tài sản có của công ty cho thuê tài chính.
- Thực hiện hình thức cấp tín dụng khác khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.
(Điều 112 Luật Các Tổ chức tín dụng 2010)
4.4. Hoạt động ngân hàng của ngân hàng hợp tác xã
Theo khoản 2 Điều 117 Luật Các Tổ chức tín dụng 2010, ngân hàng hợp tác xã được thực hiện một số hoạt động ngân hàng theo quy định tại mục 2 Chương IV của Luật Các Tổ chức tín dụng 2010 sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản.
4.5. Hoạt động ngân hàng của các tổ chức tín dụng khác
- Ngân hàng Nhà nước quy định cụ thể nội dung hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng trong Giấy phép cấp cho từng tổ chức tín dụng.
- Tổ chức tín dụng không được tiến hành bất kỳ hoạt động kinh doanh nào ngoài các hoạt động ngân hàng, hoạt động kinh doanh khác ghi trong Giấy phép được Ngân hàng Nhà nước cấp cho tổ chức tín dụng.
- Các hoạt động ngân hàng, hoạt động kinh doanh khác của tổ chức tín dụng quy định tại Luật Các Tổ chức tín dụng 2010 thực hiện theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước.
(Điều 90 Luật Các Tổ chức tín dụng 2010)