Hiện nay, có Luật Giá 2012, Luật Phí và lệ phí 2015 vậy giữa phí với giá khác nhau như thế nào?
1. Một số điểm khác biệt giữa phí với giá
Xét về bản chất, phí là dịch vụ công, mang tính phục vụ. Còn với giá lại mang tính thị trường, có cân đối lợi nhuận của nhà đầu tư; giá là thước đo giá trị của hàng hóa, dịch vụ mà nhà cung cấp đặt ra để đánh giá và phân loại phẩm chất của hàng hóa. Cụ thể như sau:

Căn cứ khoản 1 Điều 3 Luật Phí và lệ phí 2015, phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả nhằm cơ bản bù đắp chi phí và mang tính phục vụ khi được cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao cung cấp dịch vụ công được quy định trong Danh mục phí ban hành kèm theo Luật này.

Căn cứ khoản 4 Điều 4 Luật Giá 2012, giá thị trường là giá hàng hóa, dịch vụ hình thành do các nhân tố chi phối và vận động của thị trường quyết định tại một thời điểm, địa điểm nhất định.

Căn cứ khoản 5 Điều 4 Luật Giá 2012, định giá là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh quy định giá cho hàng hóa, dịch vụ.

Căn cứ khoản 12 Điều 4 Luật Giá 2012, giá thành toàn bộ của hàng hoá, dịch vụ là giá thành tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ, bao gồm:

- Giá thành sản xuất hàng hóa, dịch vụ; giá mua hàng hoá, dịch vụ đối với tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại.

- Chi phí lưu thông để đưa hàng hoá, dịch vụ đến người tiêu dùng.

Căn cứ khoản 13 Điều 4 Luật Giá 2012, mặt bằng giá là mức trung bình của các mức giá hàng hóa, dịch vụ trong nền kinh tế ứng với không gian, thời gian nhất định và được đo bằng chỉ số giá tiêu dùng.

2. Nguyên tắc xác định mức thu phí, nguyên tắc quản lý giá
Căn cứ Điều 8 Luật Phí và lệ phí 2015, nguyên tắc xác định mức thu phí được xác định cơ bản bảo đảm bù đắp chi phí, có tính đến chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ, bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của công dân.

Căn cứ Điều 5 Luật Giá 2012, nguyên tắc quản lý giá như sau:

- Nhà nước thực hiện quản lý giá theo cơ chế thị trường; tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật.

- Nhà nước thực hiện điều tiết giá theo quy định của Luật này để bình ổn giá; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng và lợi ích của Nhà nước.

- Nhà nước có chính sách về giá nhằm hỗ trợ khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

- Nhà nước quy định nguyên tắc, phương pháp xác định giá đối với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá phù hợp với nguyên tắc của nền kinh tế thị trường.

3. Ví dụ một số loại phí, giá
Sau đây là một số ví dụ về các loại phí, giá:

- Phí kiểm dịch; phí kiểm soát giết mổ động vật; phí phòng, chống dịch bệnh cho động vật; phí bảo vệ nguồn lợi thủy sản; phí giám sát khử trùng vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật; phí bảo hộ giống trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản…

- Giá sử dụng dịch vụ đường bộ (thực tế, hiện nay dùng từ TRẠM THU PHÍ, nhưng bản chất là thu tiền sử dụng dịch vụ đường bộ chứ không phải là thu phí, bởi giá sử dụng dịch vụ đường bộ được điều chỉnh bởi Luật Giá 2012).