Khi đóng dấu giáp lai thì đóng như thế nào mới đúng quy định?

1. Khái niệm dấu giáp lai
Hiện nay trong hệ thống pháp luật Việt Nam, chưa có một định nghĩa về dấu giáp lai. Qua quá trình thực tế có thể hiểu dấu giáp lai là con dấu đóng vào mép phải của tài liệu gồm hai tờ trở lên để tất cả các tờ có thông tin về con dấu đảm bảo tính xác thực của từng tờ văn bản và ngăn chặn thay đổi nội dung, tài liệu sai lệch.

2. Quy định về việc đóng dấu giáp lai
Căn cứ theo quy định tại điểm d, điểm đ khoản 1 Điều 33 Nghị định 30/2020/NĐ-CP, việc sử dụng con dấu được quy định như sau:

- Việc đóng dấu treo, dấu giáp lai, đóng dấu nổi trên văn bản giấy do người đứng đầu cơ quan, tổ chức quy định.

- Dấu giáp lai được đóng vào khoảng giữa mép phải của văn bản hoặc phụ lục văn bản, trùm lên một phần các tờ giấy; mỗi dấu đóng tối đa 05 tờ văn bản.

3. Đóng dấu giáp lai đối với các văn bản công chứng
- Theo quy định tại Điều 49 Luật Công chứng 2014, văn bản công chứng có từ hai tờ trở lên phải được đóng dấu giáp lai giữa các tờ.

- Theo quy định tại khoản 1 Điều 13 Thông tư 01/2020/TT-BTP, trường hợp lời chứng được ghi tại tờ liền sau của trang có chữ ký thì phải đóng dấu giáp lai giữa giấy tờ, văn bản chứng thực chữ ký và trang ghi lời chứng.

- Theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 20 Nghị định 23/2015/NĐ-CP, đối với bản sao có từ hai trang trở lên thì ghi lời chứng vào trang cuối, nếu bản sao có từ hai tờ trở lên thì phải đóng dấu giáp lai.

Như vậy, đối với các văn bản công chứng có từ hai tờ trở lên phải được đóng dấu giáp lai.

4. Mức phạt hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về quản lý và sử dụng con dấu
Căn cứ theo quy định tại Điều 13 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, khi có hành vi vi phạm quy định về quản lý và sử dụng con dấu thì bị áp dụng các mức phạt hành chính sau đây:

Điều 13. Vi phạm các quy định về quản lý và sử dụng con dấu – Nghị định 144/2021/NĐ-CP

Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Không thực hiện thủ tục cấp lại khi Giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu bị mất;

b) Không thực hiện thủ tục đổi lại Giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu và nộp lại Giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu đã được cấp trước đó cho cơ quan đăng ký mẫu con dấu khi Giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu bị hỏng;

c) Không thông báo mẫu con dấu cho cơ quan, tổ chức có liên quan biết trước khi sử dụng;

d) Không ban hành quy định nội bộ về quản lý, sử dụng con dấu của cơ quan, tổ chức mình.

2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Tự ý mang con dấu ra khỏi trụ sở cơ quan, tổ chức mà không được phép của chức danh nhà nước, người đứng đầu cơ quan, tổ chức;

b) Không đăng ký lại mẫu con dấu theo quy định của pháp luật;

c) Không chấp hành việc kiểm tra con dấu, không xuất trình con dấu, Giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu khi có yêu cầu kiểm tra của cơ quan đăng ký mẫu con dấu;

d) Mất con dấu mà quá 02 ngày làm việc kể từ ngày phát hiện mất con dấu, cơ quan, tổ chức, chức danh nhà nước không thông báo bằng văn bản cho cơ quan đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu trước đó và cơ quan Công an xã, phường, thị trấn nơi xảy ra mất con dấu.

3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Không giao nộp con dấu theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền hoặc cơ quan đăng ký mẫu con dấu;

b) Đóng dấu vào văn bản, giấy tờ chưa có chữ ký của người có thẩm quyền hoặc có chữ ký của người không có thẩm quyền;

c) Mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, thế chấp, mua bán con dấu, tiêu hủy trái phép con dấu; sử dụng con dấu của cơ quan, tổ chức khác để hoạt động;

d) Sử dụng con dấu hết giá trị sử dụng;

đ) Cố ý làm biến dạng, sửa chữa nội dung con dấu đã đăng ký;

e) Làm giả Giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu;

g) Sử dụng con dấu chưa đăng ký mẫu con dấu;

h) Không nộp lại con dấu và giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu khi có quyết định của cơ quan có thẩm quyền có hiệu lực về việc chia tách, sáp nhập, hợp nhất hoặc bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động, Giấy phép hoạt động hoặc bị tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động hoặc thông báo của cơ quan có thẩm quyền về việc giao nộp con dấu theo quy định của pháp luật;

i) Tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung thông tin trên giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu.

4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Làm giả hồ sơ để làm thêm con dấu của cơ quan, tổ chức, chức danh nhà nước;

b) Làm giả con dấu hoặc sử dụng con dấu giả;

c) Chiếm đoạt, mua bán trái phép con dấu;

d) Tiêu hủy trái phép con dấu.

5. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại các điểm c, e và g khoản 3 và các điểm a và b khoản 4 Điều này;

b) Trục xuất người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính quy định tại các khoản 3 và 4 Điều này.

6. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc nộp lại con dấu, Giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 2; các điểm a, d và đ khoản 3 và điểm c khoản 4 Điều này;

b) Buộc hủy bỏ văn bản, giấy tờ đóng dấu sai quy định đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 3 Điều này;

c) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 3 và điểm c khoản 4 Điều này;

d) Buộc nộp lại giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm i khoản 3 Điều này.