Xin hỏi theo quy định của pháp luật thì trong trường hợp doanh nghiệp trốn thuế thì ai là người phải chịu trách nhiệm? 
Các hành vi bị coi là trốn thuế
Căn cứ quy định tại Điều 143 Luật Quản lý thuế 2019 thì các hành vi sau đây bị coi là trốn thuế:

- Không nộp hồ sơ đăng ký thuế; không nộp hồ sơ khai thuế; nộp hồ sơ khai thuế sau 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ khai thuế hoặc ngày hết thời hạn gia hạn nộp hồ sơ khai thuế theo quy định Luật Quản lý thuế 2019.

- Không ghi chép trong sổ kế toán các khoản thu liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp.

- Không xuất hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật hoặc ghi giá trị trên hóa đơn bán hàng thấp hơn giá trị thanh toán thực tế của hàng hóa, dịch vụ đã bán.

- Sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn để hạch toán hàng hóa, nguyên liệu đầu vào trong hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm hoặc tăng số tiền thuế được khấu trừ, số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế không phải nộp.

- Sử dụng chứng từ, tài liệu không phản ánh đúng bản chất giao dịch hoặc giá trị giao dịch thực tế để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm, số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế không phải nộp.

- Khai sai với thực tế hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu mà không khai bổ sung hồ sơ khai thuế sau khi hàng hóa đã được thông quan.

- Cố ý không kê khai hoặc khai sai về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

- Cấu kết với người gửi hàng để nhập khẩu hàng hóa nhằm mục đích trốn thuế.

- Sử dụng hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế không đúng mục đích quy định mà không khai báo việc chuyển đổi mục đích sử dụng với cơ quan quản lý thuế.

- Người nộp thuế có hoạt động kinh doanh trong thời gian ngừng, tạm ngừng hoạt động kinh doanh nhưng không thông báo với cơ quan quản lý thuế.

Lưu ý: Người nộp thuế không bị xử phạt về hành vi trốn thuế mà bị xử phạt về hành vi vi phạm thủ tục thuế theo quy định tại Khoản 1 Điều 141 Luật Quản lý thuế 2019 đối với trường hợp sau đây:

- Không nộp hồ sơ đăng ký thuế, không nộp hồ sơ khai thuế, nộp hồ sơ khai thuế sau 90 ngày nhưng không phát sinh số tiền thuế phải nộp;

- Nộp hồ sơ khai thuế sau 90 ngày có phát sinh số tiền thuế phải nộp và người nộp thuế đã nộp đủ số tiền thuế, tiền chậm nộp vào ngân sách nhà nước trước thời điểm cơ quan thuế công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế hoặc trước thời điểm cơ quan thuế lập biên bản về hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế.

Doanh nghiệp trốn thuế ai là người phải chịu trách nhiệm?
Căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 12 Luật Doanh nghiệp 2020 thì người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp.

Đồng thời, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách người yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền, nghĩa vụ khác.

Mặt khác, theo quy định tại Điều 13 Luật Doanh nghiệp 2020 thì người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp có các trách nhiệm sau:

– Thực hiện quyền và nghĩa vụ được giao một cách trung thực, cẩn trọng, tốt nhất nhằm bảo đảm lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp;

– Trung thành với lợi ích của doanh nghiệp, không lạm dụng địa vị, chức vụ và sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh, tài sản khác của doanh nghiệp để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác;

– Thông báo kịp thời, đầy đủ, chính xác cho doanh nghiệp về doanh nghiệp mà mình, người có liên quan của mình làm chủ hoặc có cổ phần, phần vốn góp.

Ngoài ra, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp sẽ phải chịu trách nhiệm cá nhân đối với thiệt hại cho doanh nghiệp do vi phạm trách nhiệm nêu trên.

Như vậy, căn cứ theo quy định nêu trên thì người đại diện theo pháp luật phải chịu trách nhiệm trong trường hợp doanh nghiệp trốn thuế.

Những cá nhân trong doanh nghiệp có tham gia thực hiện hành vi trốn thuế (như kế toán hoặc các cá nhân khác có trách nhiệm với nghĩa vụ thuế) cũng phải chịu trách nhiệm về hành vi này.

Hành vi trốn thuế bị xử lý như thế nào?
Trốn thuế được hiểu là hành vi của cá nhân, tổ chức thực hiện các phương thức trái pháp luật nhằm giảm số tiền thuế phải nộp theo quy định hoặc trốn tránh nghĩa vụ đóng thuế.

Tùy vào mức độ vi phạm và tổ chức, cá nhân có hành vi trốn thuế có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 17 Nghị định 125/2020/NĐ-CP hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội trốn thuế theo quy định tại Điều 200 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).