Theo quy định của Luật Doanh nghiệp hiện hành, doanh nghiệp Nhà nước là doanh nghiệp như thế nào?

1. Doanh nghiệp Nhà nước là gì?
Theo quy định tại khoản 11 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020, doanh nghiệp Nhà nước được định nghĩa như sau:

“1. Doanh nghiệp nhà nước bao gồm các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết theo quy định tại Điều 88 của Luật này.”

Theo khoản 1 Điều 88 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định doanh nghiệp nhà nước được tổ chức quản lý dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, bao gồm:

(i) Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

(ii) Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết, trừ doanh nghiệp nêu trên tại Mục (i).

2. Các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ
Tại khoản 2 Điều 88 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ tại Mục 1(i) nêu trên bao gồm:

- Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là công ty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước, công ty mẹ của tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ - công ty con.

- Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là công ty độc lập do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

3. Các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết
Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tại Mục 1(ii) được quy định tại khoản 3 Điều 88 Luật Doanh nghiệp 2020 bao gồm:

- Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết là công ty mẹ của tập đoàn kinh tế, công ty mẹ của tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ - công ty con.

- Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần là công ty độc lập do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

4. Quy trình thành lập doanh nghiệp do cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định thành lập
Quy trình thành lập doanh nghiệp do cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định thành lập được quy định tại Điều 10 Nghị định 23/2022/NĐ-CP như sau:

Điều 10. Quy trình thành lập doanh nghiệp do cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định thành lập – Nghị định 23/2022/NĐ-CP

1. Cơ quan đại diện chủ sở hữu lập 03 bộ Hồ sơ gốc đề nghị thành lập doanh nghiệp theo quy định tại Khoản 2 Điều 6 Nghị định này và gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thẩm định.

2. Sau khi nhận đủ Hồ sơ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì lấy ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ quản lý ngành (trong trường hợp doanh nghiệp do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ quyết định thành lập) hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi doanh nghiệp dự định đặt trụ sở chính (trong trường hợp doanh nghiệp do Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ quyết định thành lập).

Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được Hồ sơ, các cơ quan liên quan gửi văn bản tham gia ý kiến đối với các nội dung thuộc phạm vi quản lý đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp và lập báo cáo thẩm định

3. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được ý kiến của các cơ quan liên quan, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lập báo cáo thẩm định và gửi cơ quan đại diện chủ sở hữu.

4. Cơ quan đại diện chủ sở hữu tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hoàn thiện Hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt chủ trương thành lập doanh nghiệp.

5. Cơ quan đại diện chủ sở hữu ra quyết định thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương.