Khi sử dụng người lao động cao tuổi, doanh nghiệp cần tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho họ. Vậy việc khám sức khỏe cho người lao động cao tuổi được pháp luật quy định như thế nào?
1. Khi nào được sử dụng người lao động cao tuổi?
Theo khoản 1 Điều 148 Bộ luật Lao động 2019 quy định người lao động (NLĐ) cao tuổi là người tiếp tục lao động sau độ tuổi nghỉ hưu (được quy định tại khoản 2 Điều 169 Bộ luật này).

Theo đó, tuổi nghỉ hưu của NLĐ trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với nữ vào năm 2035.

Lưu ý: Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ.

Bên cạnh đó, pháp luật khuyến khích sử dụng NLĐ cao tuổi làm việc phù hợp với sức khỏe để bảo đảm quyền lao động và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực. Hiện tại khi sử dụng NLĐCT thì các bên có thể thỏa thuận giao kết nhiều lần hợp đồng lao động xác định thời hạn (không bị giới hạn về số lần giao kết hợp đồng lao động xác định thời hạn). Trường hợp NLĐCT đang hưởng lương hưu mà làm việc theo hợp đồng lao động mới thì ngoài quyền lợi đang hưởng theo chế độ hưu trí, người lao động cao tuổi được hưởng tiền lương và các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật, hợp đồng lao động (trường hợp này thì sẽ không đóng BHXH mà người sử dụng lao động phải trả một khoản tương đương mức đóng BHXH vào lương cho người lao động).

Lưu ý: không được sử dụng NLĐCT làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người lao động cao tuổi, trừ trường hợp bảo đảm các điều kiện làm việc an toàn.

2. Khám sức khỏe định kỳ đối với người lao động cao tuổi
Theo khoản 1 Điều 21 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 quy định hằng năm, người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe ít nhất một lần cho NLĐ; đối với người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, NLĐ là người khuyết tật, người lao động chưa thành niên, người lao động cao tuổi được khám sức khỏe ít nhất 06 tháng một lần.

Như vậy, trong trường hợp công ty có sử dụng NLĐCT thì sẽ tiến hành khám sức khỏe định kỳ ít nhất là 06 tháng một lần (ít nhất 02 lần trong năm).

Về việc khám sức khỏe, nội dung khám sức khỏe định kỳ tiến hành theo hướng dẫn tại Thông tư 14/2013/TT-BYT hướng dẫn khám sức khỏe do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành. Trong trường hợp công ty không tiến hành khám sức khỏe định kỳ cho người lao động cao tuổi đúng theo quy định nêu trên thì sẽ bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 12/2022/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng:

"Điều 22. Vi phạm quy định về phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

...                                                                                                

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng khi vi phạm với mỗi người lao động nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi không tổ chức khám sức khỏe định kỳ hoặc khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động."

Căn cứ pháp lý

- Bộ luật Lao động 2019;

- Thông tư 14/2013/TT-BYT

- Nghị định 12/2022/NĐ-CP.