1. Doanh nghiệp có bắt buộc thay đổi mẫu con dấu khi thay đổi địa giới hành chính từ 01/7/2025 không?
Ngày 1/7/2025, Bộ Công an đã có Công văn 4379/C06-P2 năm 2025 về đăng ký mẫu con dấu của doanh nghiệp và các đơn vị trực thuộc.

Theo đó, tại Công văn 4379/C06-P2 năm 2025 có quy định như sau:

Căn cứ Nghị quyết số 190/2025/QH15 ngày 19/02/2025 của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước; Nghị quyết số 202/2025/QH15 ngày 12/6/2025 của Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh; các Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã; Nghị định số 99/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ về quản lý và sử dụng con dấu.

C06 hướng dẫn về việc đăng ký lại mẫu con dấu của các doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp (hoạt động theo các Luật: Công chứng, luật sư, giám định tư pháp, kinh doanh bảo hiểm, chứng khoán) đã được đăng ký mẫu con dấu, cấp giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu trước đây (do thay đổi địa giới hành chính cấp tỉnh, cấp xã, các văn bản pháp lý về hoạt động của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện còn giá trị sử dụng).

Theo đó, các doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp hoạt động theo các Luật như: Luật Công chứng 2024;  Luật Luật sư 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2012);  Luật Giám định tư pháp 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020); Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022; Luật Chứng khoán 2019 đã được đăng ký mẫu con dấu, cấp giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu trước đây bắt buộc phải đăng ký lại con dấu còn giá trị sử dụng do thay đổi địa chỉ sau sáp nhập từ 01/7/2025.

Trên dây là nội dung giải đáp “Doanh nghiệp có bắt buộc thay đổi mẫu con dấu khi thay đổi địa giới hành chính từ 01/7/2025 không?” căn cứ theo quy định tại Công văn 4379/C06-P2 năm 2025.

2. Nguyên tắc áp dụng giải quyết thủ tục đăng ký doanh nghiệp từ ngày 01/07/2025 ra sao?
Căn cứ theo quy định tại Điều 4 Nghị định 168/2025/NĐ-CP có quy định về các nguyên tắc áp dụng giải quyết thủ tục đăng ký doanh nghiệp cụ thể:

Điều 4. Nguyên tắc áp dụng giải quyết thủ tục đăng ký doanh nghiệp - Nghị định 168/2025/NSS-CP

1. Người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp tự kê khai hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp, trung thực và chính xác của các thông tin kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và các báo cáo.

2. Trường hợp công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần có nhiều hơn một người đại diện theo pháp luật thì người đại diện theo pháp luật thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp phải bảo đảm và chịu trách nhiệm về việc thực hiện đúng quyền hạn, nghĩa vụ của mình theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Luật Doanh nghiệp.

3. Cơ quan đăng ký kinh doanh chịu trách nhiệm về tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, không chịu trách nhiệm về những vi phạm pháp luật của doanh nghiệp và người thành lập doanh nghiệp.

4. Cơ quan đăng ký kinh doanh không giải quyết tranh chấp giữa các thành viên, cổ đông của công ty với nhau hoặc với tổ chức, cá nhân khác hoặc giữa doanh nghiệp với tổ chức, cá nhân khác.

5. Doanh nghiệp không bắt buộc phải đóng dấu trong văn bản đề nghị đăng ký doanh nghiệp, biên bản họp, nghị quyết hoặc quyết định trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp. Việc đóng dấu đối với các tài liệu khác trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.

6. Doanh nghiệp có thể đồng thời thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, thông báo cập nhật, bổ sung thông tin đăng ký doanh nghiệp, hiệu đính thông tin đăng ký doanh nghiệp trong một bộ hồ sơ.