Có thể hiểu MNC là gì? Đặc điểm của MNC như thế nào? Pháp luật hiện hành quy định việc tập đoàn đa quốc gia xác định đơn vị hợp thành kê khai, nộp thuế như thế nào?
25/12/2024
Có thể hiểu MNC là gì? Đặc điểm của MNC như thế nào? Pháp luật hiện hành quy định việc tập đoàn đa quốc gia xác định đơn vị hợp thành kê khai, nộp thuế như thế nào?
1. MNC là gì? Đặc điểm của MNC như thế nào?
1.1. MNC là gì?
“MNC là gì?” được giải đáp như sau: MNC (Multinational Corporation) là công ty đa quốc gia – là các doanh nghiệp có phạm vi hoạt động trên nhiều quốc gia, với việc sở hữu hoặc quản lý các cơ sở sản xuất, chi nhánh, hoặc văn phòng ở các quốc gia khác nhau. Những công ty này có trụ sở chính tại một quốc gia (nước mẹ) và mở rộng hoạt động kinh doanh ra các quốc gia khác (nước sở tại).
1.2. Đặc điểm của MNC như thế nào?
(i) Hoạt động toàn cầu: MNC có mạng lưới hoạt động rộng lớn, bao gồm các chi nhánh, nhà máy, hoặc văn phòng đại diện ở nhiều quốc gia. Nhờ đó, các công ty này có khả năng tiếp cận các thị trường mới, đáp ứng nhu cầu địa phương và mở rộng phạm vi hoạt động kinh doanh của mình. Việc phân bổ nguồn lực ở nhiều quốc gia giúp MNC không chỉ tối ưu hóa lợi ích từ các chính sách kinh tế khác nhau mà còn giảm thiểu rủi ro khi gặp khó khăn tại một thị trường cụ thể
(ii) Quy mô lớn: Các công ty này thường có nguồn lực tài chính mạnh, công nghệ tiên tiến và lực lượng lao động lớn.
(iii) Chiến lược quốc tế hóa: Một trong những đặc điểm nổi bật của MNC là chiến lược quốc tế hóa, được thực hiện thông qua việc tận dụng các lợi thế về nhân lực, tài nguyên, và thị trường tại từng quốc gia mà họ hoạt động.
(iv) Chuyển giao công nghệ: Thông qua hoạt động đầu tư và hợp tác quốc tế, MNC đóng vai trò trong việc đưa công nghệ và kiến thức quản lý hiện đại đến các quốc gia sở tại.
(v) Tập trung thương hiệu: Hầu hết các MNC sở hữu những thương hiệu toàn cầu nổi tiếng và có sức ảnh hưởng lớn.
Nội dung chỉ mang tính chất tham khảo
2. Tập đoàn đa quốc gia xác định đơn vị hợp thành kê khai, nộp thuế như thế nào?
Theo quy định tại khoản 3 Điều 6 Nghị quyết 107/2023/QH15, việc xác định đơn vị hợp thành kê khai, nộp thuế được quy định như sau:
(i) Tập đoàn đa quốc gia có 01 đơn vị hợp thành tại Việt Nam thì đơn vị hợp thành đó thực hiện nộp tờ khai và nộp thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo Quy định về thuế tối thiểu toàn cầu.
(ii) Tập đoàn đa quốc gia có nhiều hơn 01 đơn vị hợp thành tại Việt Nam thì trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính, tập đoàn đa quốc gia có văn bản thông báo chỉ định một trong những đơn vị hợp thành tại Việt Nam nộp tờ khai và nộp thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung của tập đoàn theo Quy định về thuế tối thiểu toàn cầu.
Trường hợp hết thời hạn 30 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính, tập đoàn đa quốc gia không thông báo chỉ định đơn vị hợp thành tại Việt Nam nộp tờ khai và nộp thuế thì trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày hết thời hạn phải thông báo, cơ quan thuế chỉ định đơn vị hợp thành tại Việt Nam nộp tờ khai và nộp thuế.
(iii) Khi có sự kiện dẫn đến việc thay đổi đơn vị hợp thành nộp tờ khai và nộp thuế thì trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày phát sinh sự kiện, tập đoàn đa quốc gia có trách nhiệm thông báo cho cơ quan thuế. Quá thời hạn nêu trên mà tập đoàn đa quốc gia không thông báo thì trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày có thông tin, cơ quan thuế thông báo chỉ định đơn vị hợp thành phải nộp tờ khai và nộp thuế.
(iv) Trường hợp cơ quan thuế đã thông báo chỉ định đơn vị hợp thành phải nộp tờ khai và nộp thuế theo quy định tại khoản (ii) hoặc khoản (iii) Mục này mà cơ quan thuế có thông tin về sự kiện dẫn đến việc thay đổi đơn vị hợp thành nộp tờ khai và nộp thuế thì trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày có thông tin, cơ quan thuế thông báo chỉ định đơn vị hợp thành khác phải nộp tờ khai và nộp thuế.