Chậm đóng BHYT, công ty có phải hoàn trả chi phí khám chữa bệnh cho người lao động? Công ty chậm đóng BHYT bị xử phạt như thế nào?
1. Chậm đóng BHYT, công ty có phải hoàn trả chi phí khám chữa bệnh cho người lao đông?
Căn cứ khoản 3 Điều 49 Luật Bảo hiểm y tế 2008 (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 28 Điều 1 Luật số 46/2014/QH13), công ty có trách nhiệm đóng BHYT mà không đóng hoặc đóng không đầy đủ theo quy định của pháp luật thì sẽ bị xử lý như sau:

(i) Phải đóng đủ số tiền chưa đóng và nộp số tiền lãi bằng hai lần mức lãi suất liên ngân hàng tính trên số tiền, thời gian chậm đóng; nếu không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích tiền từ tài khoản tiền gửi của cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng BHYT để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và lãi của số tiền này vào tài khoản của quỹ BHYT.

(ii) Phải hoàn trả toàn bộ chi phí cho người lao động trong phạm vi quyền lợi, mức hưởng BHYT mà người lao động đã chi trả trong thời gian chưa có thẻ BHYT.

Như vậy, chậm đóng BHYT, công ty phải hoàn trả chi phí khám chữa bệnh mà người lao động đã chi trả trong thời gian chưa có thẻ BHYT.

2. Chậm đóng BHYT bị phạt như thế nào?
Căn cứ khoản 5 Điều 4 và khoản 2 Điều 80 Nghị định 117/2020/NĐ-CP, người sử dụng lao động chậm đóng BHYT có thể bị phạt theo một trong các mức sau đây:

(i) Từ 01 - 03 triệu đồng, khi vi phạm dưới 10 người lao động.

(ii) Từ 03 - 05 triệu đồng, khi vi phạm từ 10 đến dưới 50 người lao động.

(iii) Từ 5 - 10 triệu đồng, khi vi phạm từ 50 đến dưới 100 người lao động.

(iv) Từ 10 - 20 triệu đồng, khi vi phạm từ 100 đến dưới 500 người lao động.

(v) Từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng, khi vi phạm từ 500 đến dưới 1.000 người lao động.

(vi) Từ 30 - 40 triệu đồng, khi vi phạm từ 1.000 người lao động trở lên.

Lưu ý: Mức phạt nêu trên áp dụng đối với người sử dụng lao động là cá nhân, trường hợp người sử dụng lao động có hành vi chậm đóng BHYT mức phạt sẽ gấp 02 lần mức phạt nên trên.

Người sử dụng lao động có hành vi chậm đóng BHYT ngoài bị xử phạt với số tiền nêu trên còn phải  hoàn trả số tiền mà đối tượng tham gia BHYT bị thiệt hại (nếu có). Trường hợp không hoàn trả được cho đối tượng thì nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật và nộp số lợi bất hợp pháp có được vào tài khoản thu của quỹ BHYT (khoản 5 Điều 80 Nghị định 117/2020/NĐ-CP).

3. Những hành vi nào bị nghiêm cấm trong lĩnh vực BHYT?
Căn cứ Điều 11 Luật Bảo hiểm y tế 2008, nghiêm cấm các hành vi sau đây trong lĩnh vực BHYT:

- Không đóng hoặc đóng BHYT không đầy đủ theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế 2008.

- Gian lận, giả mạo hồ sơ, thẻ BHYT.

- Sử dụng tiền đóng BHYT, quỹ BHYT sai mục đích.

- Cản trở, gây khó khăn hoặc làm thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia BHYT và của các bên liên quan đến BHYT.

- Cố ý báo cáo sai sự thật, cung cấp sai lệch thông tin, số liệu về BHYT.

- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, chuyên môn, nghiệp vụ để làm trái với quy định của pháp luật về BHYT.

4. Chính sách mới: Nghiên cứu hoàn trả tiền cho người dân khám bệnh, chữa bệnh BHYT phải tự mua thuốc điều trị
Tại Công văn 41/TTg-QHĐP năm 2024 thực hiện Nghị quyết tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Chính phủ đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm trong lĩnh vực y tế. Theo đó yêu cầu Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chỉ đạo, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan chủ trì nghiên cứu ban hành cơ chế hoàn trả tiền cho người dân khám bệnh, chữa bệnh BHYT phải tự mua thuốc điều trị và vật tư y tế, giải quyết triệt để tình trạng cơ quan Bảo hiểm xã hội nợ thanh toán, quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT.

Thời hạn hoàn thành nội dung nghiên cứu cơ chế hoàn tiền cho người có thẻ BHYT phải tự mua thuốc điều trị là tháng 12/2024.