Khi nộp hồ sơ thủ tục hành chính, trường hợp nào doanh nghiệp chỉ cần nộp bản photo giấy tờ tùy thân, văn bằng… mà không phải nộp bản chứng thực?
1. Các trường hợp chỉ cần nộp bản photo
Căn cứ khoản 1 Điều 6 Nghị định 23/2015/NĐ-CP, trường hợp pháp luật quy định nộp bản sao thì cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận bản sao, không được yêu cầu bản sao có chứng thực nhưng có quyền yêu cầu xuất trình bản chính để đối chiếu. Người đối chiếu có trách nhiệm xác nhận tính chính xác của bản sao so với bản chính.

Như vậy, với trường hợp pháp luật quy định nộp bản sao thì doanh nghiệp được quyền nộp bản photo giấy tờ, tài liệu có liên quan (không bắt buộc phải nộp bản có chứng thực).

Căn cứ khoản 2 Điều 6 Nghị định 23/2015/NĐ-CP, cơ quan, tổ chức tiếp nhận bản sao được cấp từ sổ gốc, bản sao có chứng thực thì không được yêu cầu xuất trình bản chính, trừ trường hợp có căn cứ về việc bản sao giả mạo, bất hợp pháp thì yêu cầu xuất trình bản chính để đối chiếu hoặc tiến hành xác minh, nếu thấy cần thiết.
Lưu ý, trong những trường hợp pháp luật yêu cầu nộp bản photo kèm theo xuất trình bản chính để đối chiếu hoặc nộp bản sao có chứng thực thì doanh nghiệp được quyền lựa chọn nộp bản photo hoặc bản sao có chứng thực theo đúng quy định.

2. Thời hạn của bản sao y có chứng thực
Hiện nay, pháp luật không có bất kỳ quy định về việc hạn chế thời hạn sử dụng của bản sao đã được chứng thực hay được cấp từ sổ gốc mà chỉ quy định về giá trị pháp lý của bản sao được cấp từ sổ gốc, bản sao được chứng thực từ bản chính, chữ ký được chứng thực và hợp đồng, giao dịch được chứng thực.

Điều 3. Giá trị pháp lý của bản sao được cấp từ sổ gốc, bản sao được chứng thực từ bản chính, chữ ký được chứng thực và hợp đồng, giao dịch được chứng thực – Nghị định 23/2015/NĐ-CP

1. Bản sao được cấp từ sổ gốc có giá trị sử dụng thay cho bản chính trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

2. Bản sao được chứng thực từ bản chính theo quy định tại Nghị định này có giá trị sử dụng thay cho bản chính đã dùng để đối chiếu chứng thực trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

3. Chữ ký được chứng thực theo quy định tại Nghị định này có giá trị chứng minh người yêu cầu chứng thực đã ký chữ ký đó, là căn cứ để xác định trách nhiệm của người ký về nội dung của giấy tờ, văn bản.

4. Hợp đồng, giao dịch được chứng thực theo quy định của Nghị định này có giá trị chứng cứ chứng minh về thời gian, địa điểm các bên đã ký kết hợp đồng, giao dịch; năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện, chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch.

Tuy nhiên, xét dưới góc độ thực tiễn, nên chia bản sao được chứng thực thành 02 loại sau đây:

- Thứ nhất, bản sao “vô hạn”: Là bản sao được chứng thực từ các loại giấy tờ có giá trị vô hạn (như là: bảng điểm, bằng cử nhân, kỹ sư, giấy phép lái xe mô tô; trừ trường hợp bị thu hồi theo quy định của pháp luật) thì bản sao có giá trị pháp lý vô hạn.

- Thứ hai,  bản sao “hữu hạn”: Là bản sao được chứng thực từ các loại giấy tờ có xác định thời hạn (như là: chứng minh nhân dân, căn cước công dân, hộ chiếu, giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, phiếu lý lịch tư pháp…) thì bản sao chỉ có giá trị trong thời hạn bản gốc còn giá trị.