20 hàng hóa, dịch vụ chỉ có Nhà nước mới được kinh doanh năm 2023
01/06/2023
Hiện nay, có những hàng hóa, dịch vụ nào mà chỉ Nhà nước mới được phép kinh doanh?
1. Danh sách 20 hàng hóa, dịch vụ chỉ có Nhà nước mới được kinh doanh năm 2023
Căn cứ Danh mục Hàng hóa, dịch vụ địa bàn thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại (ban hành kèm theo Nghị định 94/2017/NĐ-CP), 20 hàng hóa, dịch vụ chỉ cơ quan Nhà nước hoặc các tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao kinh doanh năm 2023 như sau:
- Hàng hóa, dịch vụ phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh:
Hoạt động thương mại độc quyền và địa bàn độc quyền của hàng hóa, dịch vụ phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an hướng dẫn thực hiện cụ thể.
- Vật liệu nổ công nghiệp:
+ Hoạt động thương mại độc quyền: Sản xuất, mua, bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, vận chuyển quá cảnh.
+ Địa bàn độc quyền: Toàn bộ lãnh thổ Việt Nam.
- Vàng miếng:
+ Hoạt động thương mại độc quyền: Sản xuất.
+ Địa bàn độc quyền: Toàn bộ lãnh thổ Việt Nam.
- Vàng nguyên liệu:
+ Hoạt động thương mại độc quyền: Xuất khẩu và nhập khẩu để sản xuất vàng miếng.
+ Địa bàn độc quyền: Toàn bộ lãnh thổ Việt Nam.
- Xổ số kiến thiết:
+ Hoạt động thương mại độc quyền: Phát hành.
+ Địa bàn độc quyền: Toàn bộ lãnh thổ Việt Nam.
- Thuốc lá điếu, xì gà:
+ Hoạt động thương mại độc quyền: Nhập khẩu (trừ trường hợp nhập khẩu để kinh doanh bán hàng miễn thuế) .
+ Địa bàn độc quyền: Toàn bộ lãnh thổ Việt Nam.
- Hoạt động dự trữ quốc gia:
+ Hoạt động thương mại độc quyền: Quản lý, nhập khẩu, xuất khẩu, mua, bán, bảo quản, bảo vệ hàng hóa thuộc Danh mục dự trữ quốc gia.
+ Địa bàn độc quyền: Toàn bộ lãnh thổ Việt Nam.
- Tiền:
+ Hoạt động thương mại độc quyền: In, đúc.
+ Địa bàn độc quyền: Toàn bộ lãnh thổ Việt Nam.
- Tem bưu chính Việt Nam:
+ Hoạt động thương mại độc quyền: Phát hành.
+ Địa bàn độc quyền: Toàn bộ lãnh thổ Việt Nam.
- Pháo hoa và các dịch vụ liên quan đến pháo hoa:
+ Hoạt động thương mại độc quyền: Sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, mua, bán, vận chuyển, tàng trữ.
+ Địa bàn độc quyền: Toàn bộ lãnh thổ Việt Nam.
- Hệ thống điện quốc gia:
+ Hoạt động thương mại độc quyền: Truyền tải, điều độ.
+ Địa bàn độc quyền: Toàn bộ lãnh thổ Việt Nam.
- Thủy điện đa mục tiêu và điện hạt nhân có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội:
+ Hoạt động thương mại độc quyền: Xây dựng và vận hành.
+ Địa bàn độc quyền: Toàn bộ lãnh thổ Việt Nam.
- Dịch vụ công ích bảo đảm an toàn hàng hải:
+ Hoạt động thương mại độc quyền: Vận hành hệ thống đèn biển; Vận hành hệ thống luồng hàng hải công cộng.
+ Địa bàn độc quyền: Toàn bộ lãnh thổ Việt Nam.
- Dịch vụ công ích thông tin duyên hải:
+ Hoạt động thương mại độc quyền: Quản lý, vận hành khai thác hệ thống đài thông tin duyên hải.
+ Địa bàn độc quyền: Toàn bộ lãnh thổ Việt Nam.
- Bảo đảm hoạt động bay:
+ Hoạt động thương mại độc quyền: Dịch vụ không lưu; Dịch vụ thông báo tin tức hàng không; Dịch vụ tìm kiếm, cứu nạn.
+ Địa bàn độc quyền: Toàn bộ lãnh thổ Việt Nam.
- Hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị do Nhà nước đầu tư:
+ Hoạt động thương mại độc quyền: Quản lý, khai thác hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt (không bao gồm bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt).
+ Địa bàn độc quyền: Toàn bộ lãnh thổ Việt Nam.
- Hệ thống công trình thủy lợi, thủy nông liên tỉnh, liên huyện; kè biển:
+ Hoạt động thương mại độc quyền: Quản lý, khai thác trong trường hợp giao kế hoạch.
+ Địa bàn độc quyền: Toàn bộ lãnh thổ Việt Nam.
- Dịch vụ lâm nghiệp tại rừng đặc dụng:
+ Hoạt động thương mại độc quyền: Cung ứng (trừ khu rừng bảo vệ cảnh quan được Nhà nước cho tổ chức kinh tế thuê để bảo vệ và phát triển rừng, kết hợp kinh doanh cảnh quan, nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái - môi trường).
+ Địa bàn độc quyền: Toàn bộ lãnh thổ Việt Nam.
- Xuất bản phẩm:
+ Hoạt động thương mại độc quyền: Xuất bản (không bao gồm hoạt động in và phát hành).
+ Địa bàn độc quyền: Toàn bộ lãnh thổ Việt Nam.
- Mạng bưu chính công cộng:
+ Hoạt động thương mại độc quyền: Quản lý, duy trì, khai thác.
+ Địa bàn độc quyền: Toàn bộ lãnh thổ Việt Nam
- Dịch vụ công ích trong hoạt động phát hành báo chí:
+ Hoạt động thương mại độc quyền: Cung ứng.
+ Địa bàn độc quyền: Toàn bộ lãnh thổ Việt Nam.
2. Nguyên tắc thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại
Theo Điều 4 Nghị định 94/2017/NĐ-CP, nguyên tắc thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại được quy định như sau:
- Chỉ thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại đối với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu mà Nhà nước cần phải độc quyền liên quan đến quốc phòng, an ninh, đảm bảo lợi ích quốc gia hoặc các thành phần kinh tế khác không có nhu cầu và khả năng tham gia.
- Cơ quan nhà nước có quyền thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại thông qua hình thức trực tiếp thực hiện hoặc chỉ định cho tổ chức, cá nhân thực hiện. Việc chỉ định phải do Thủ trưởng cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định bằng văn bản.
- Hoạt động thương mại độc quyền nhà nước phải được thực hiện dưới sự giám sát của cơ quan quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật.
- Bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương các cấp không được quy định hoạt động, hàng hóa, dịch vụ, địa bàn thực hiện hoạt động thương mại độc quyền nhà nước. Đối với hàng hóa, dịch vụ, địa bàn phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an.
3. Trách nhiệm của các chủ thể trực tiếp thực hiện độc quyền nhà nước
Theo Điều 7 Nghị định 94/2017/NĐ-CP, trách nhiệm của các chủ thể trực tiếp thực hiện độc quyền nhà nước được quy định như sau:
Điều 7. Trách nhiệm của các chủ thể trực tiếp thực hiện độc quyền nhà nước - Nghị định 94/2017/NĐ-CP Các chủ thể trực tiếp thực hiện độc quyền nhà nước có các trách nhiệm sau đây: 1. Các tổ chức, cá nhân, các cơ quan nhà nước hoạt động thương mại trong lĩnh vực độc quyền nhà nước chịu các biện pháp kiểm soát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật cạnh tranh, pháp luật về giá và quy định của pháp luật có liên quan. 2. Các cơ quan nhà nước thực hiện hoạt động dự trữ quốc gia phải tuân thủ theo quy định của pháp luật dự trữ quốc gia. 3. Việc sử dụng vốn nhà nước của các doanh nghiệp nhà nước vào kinh doanh các hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục phải tuân thủ theo pháp luật về quản lý và sử dụng vốn nhà nước. |