Nhu cầu thuê lao động giúp việc của mỗi gia đình ngày càng trở nên phổ biến. Sau đây là 08 quy định phải biết khi thuê lao động giúp việc.

1. Phải ký hợp đồng lao động bằng văn bản
Căn cứ theo Điều 162 Bộ luật Lao động 2019 quy định về hợp đồng lao động đối với lao động là người giúp việc gia đình, trong đó nêu rõ:

“Người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản với lao động là người giúp việc gia đình.”

Bên cạnh đó, thời hạn của hợp đồng lao động đối với lao động là người giúp việc gia đình do hai bên thỏa thuận. 

Đồng thời, một bên có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động bất kỳ khi nào nhưng phải báo trước ít nhất 15 ngày.

Nếu chủ nhà không ký kết hợp đồng bằng văn bản với người lao động giúp việc sẽ bị phạt cảnh cáo và buộc phải giao kết hợp đồng theo quy định tại khoản 1 Điều 29 Nghị định 28/2020/NĐ-CP.

2. Các hành vi bị nghiêm cấm khi thuê lao động giúp việc
Theo quy định tại Điều 165 Bộ luật Lao động 2019, quy định nghiêm cấm các hành vi sau của chủ nhà với người lao động giúp việc:

- Ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động, dùng vũ lực đối với lao động là người giúp việc gia đình.

- Giao việc cho người giúp việc gia đình không theo hợp đồng lao động.

- Giữ giấy tờ tùy thân của người lao động.

Nếu chủ nhà có hành vi vi phạm như trên có thể bị xử phạt lên đến 75 triệu đồng theo quy định tại Điều 10, Điều 29 Nghị định 145/2020/NĐ-CP

3. Chế độ lương, thưởng của người lao động giúp việc
Về tiền lương và các chế độ thưởng, chủ nhà và người giúp việc sẽ cùng nhau thỏa thuận về nội dung này theo quy định tại khoản 2 Điều 89 Nghị định 28/2020/NĐ-CP.

Trong đó tiền lương của người lao động thỏa thuận trong hợp đồng lao động bao gồm mức lương theo công việc, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác (nếu có). 

- Mức lương theo công việc gồm: chi phí tiền ăn, ở của người lao động tại gia đình người sử dụng lao động (nếu có) không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố. 

- Mức chi phí ăn, ở hằng tháng của người lao động (nếu có), tối đa không quá 50% mức lương theo công việc ghi trong hợp đồng lao động.

Theo Điều 16 Nghị định 28/2020/NĐ-CP, chủ nhà sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đến 10.000.000 đồng nếu việc chi trả lương::

- Không được chi trả đúng hạn; 

- Không trả hoặc trả không đủ tiền lương cho người giúp việc theo như thỏa thuận

Đồng thời, nếu chủ nhà trả lương cho người giúp việc thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định, cũng sẽ bị phạt từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.

4. Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi
Chủ nhà phải cho người giúp việc nghỉ ít nhất ít nhất 4 ngày/tháng và ít nhất 8 giờ/ngày theo quy định tại khoản 3 Điều 89 Nghị định 145/2020/NĐ-CP. Cụ thể:

- Vào ngày làm việc bình thường, ngoài thời giờ làm việc thỏa thuận trong hợp đồng lao động theo quy định, chủ nhà phải bảo đảm, tạo điều kiện cho người lao động được nghỉ ít nhất 8 giờ, trong đó có 6 giờ liên tục trong 24 giờ liên tục;

- Hàng tuần, người giúp việc phải được nghỉ ít nhất 24 giờ liên tục. 

Trong trường hợp đặc biệt do chu kỳ lao động không thể nghỉ hằng tuần thì người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm cho người lao động được nghỉ tính bình quân 01 tháng ít nhất 04 ngày.

Đồng thời, nếu ngày nghỉ hằng tuần trùng với ngày nghỉ lễ, tết thì phải được nghỉ bù ngày nghỉ hằng tuần vào ngày làm việc kế tiếp.

Bên cạnh đó, theo Điều 17 Nghị định 28/2020/NĐ-CP, nếu chủ nhà không đảm bảo thời giờ nghỉ ngơi như quy định trên sẽ bị phạt tiền lên đến 25.000.000 triệu đồng, cụ thể:

- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu không bảo đảm cho người giúp việc gia đình nghỉ trong giờ làm việc.

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng nếu có vi phạm về nghỉ hằng tuần hoặc nghỉ hằng năm hoặc nghỉ lễ, tết.

- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng khi thời gian làm việc bình thường quá số giờ làm việc theo quy định của pháp luật.

5. Chi trả BHXH, BHYT cho người giúp việc
Theo quy định tại khoản 4 Điều 89 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định: Người sử dụng lao động có trách nhiệm trả cùng lúc với kỳ trả lương cho người lao động một khoản tiền bằng mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế để người lao động chủ động tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Trường hợp người lao động đồng thời giao kết nhiều hợp đồng lao động làm giúp việc gia đình thì trách nhiệm trả tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của người sử dụng lao động được thực hiện theo từng hợp đồng lao động.

Nếu chủ nhà không thực hiện nghĩa vụ này sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng và bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc trả đủ tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người giúp việc gia đình theo Điều 29 Nghị định 28/2020/NĐ-CP.

6. Quy định về an toàn, vệ sinh lao động cho người giúp việc
Chủ nhà có trách nhiệm đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động đối người lao động giúp việc theo khoản 5 Điều 89 Nghị định 145/2020/NĐ-CP như sau:

- Người sử dụng lao động có trách nhiệm hướng dẫn cách sử dụng máy, thiết bị, đồ dùng, các biện pháp phòng, chống cháy, nổ trong gia đình có liên quan đến công việc của người lao động; 

Trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động trong quá trình làm việc;

- Khi người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, người sử dụng lao động phải thực hiện các trách nhiệm đối với người lao động theo quy định tại Điều 38, Điều 39 của Luật An toàn, vệ sinh lao động;

- Người lao động có trách nhiệm chấp hành đúng hướng dẫn sử dụng máy, thiết bị, đồ dùng và phòng, chống cháy, nổ; 

Bảo đảm các yêu cầu vệ sinh môi trường của hộ gia đình, dân cư nơi cư trú.

Theo quy định tại Điều 22 Nghị định 28/2020/NĐ-CP, trong trường hợp, chủ nhà không thực hiện những nghĩa vụ theo quy định trên, có thể bị phạt từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.

7. Xử lý kỷ luật người lao động giúp việc
Việc xử lý kỷ luật người lao động phải được xác định cụ thể thông qua hợp đồng lao động hoặc có sự thỏa thuận giữa các bên. 

Trong đó, hình thức xử lý kỷ luật lao động chỉ bao gồm khiển trách và sa thải người lao động giúp việc. 

Trường hợp người lao động là người từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi thì người sử dụng lao động phải thông báo việc xử lý kỷ luật lao động đến người đại diện theo pháp luật của người lao động;

Bên cạnh đó, việc xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động phải bảo đảm các nguyên tắc, trình tự, thủ tục quy định tại điểm a, điểm c khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4 và khoản 5 Điều 122 của Bộ luật Lao động 2019.

Nếu chủ nhà có những hành vi xử lý kỷ luật người lao động giúp việc không đúng với những quy định trên thì sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng, những hành vi đó được xác định như sau:

- Xâm phạm thân thể, nhân phẩm của người lao động khi xử lý kỷ luật lao động mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

- Dùng hình thức phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động;

- Xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động có hành vi vi phạm không được quy định trong nội quy lao động;

- Áp dụng nhiều hình thức kỷ luật lao động đối với một hành vi vi phạm kỷ luật lao động.

(khoản 6 Điều 89 Nghị định 145/2020/NĐ-CP; Điều 18 Nghị định 28/2020/NĐ-CP)

8. Trợ cấp thôi việc cho người lao động giúp việc
Khi hợp đồng lao động chấm dứt và đơn phương chấm dứt theo Nghị định 145/2020/NĐ-CP, chủ nhà có trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc cho người giúp việc đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương. Hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản tiền có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên.

Nếu chủ nhà không thực hiện nghĩa vụ này bị phạt từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng, theo quy định tại Điều 11 Nghị định 28/2020/NĐ-CP.

Đồng thời, chủ nhà có trách nhiệm trả tiền tàu xe đi đường khi người giúp việc gia đình thôi việc về nơi cư trú.