Doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp sử dụng dưới 10 lao động sẽ được miễn giảm nhiều thủ tục về lao động; áp dụng thủ tục hành chính về thuế, kế toán đơn giản.
1. Không bắt buộc ban hành nội quy lao động bằng văn bản
Doanh nghiệp sử dụng dưới 10 người lao động không bắt buộc ban hành nội quy lao động bằng văn bản nhưng phải thỏa thuận nội dung về kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất trong hợp đồng lao động (Căn cứ khoản 1 Điều 69 Nghị định 145/2020/NĐ-CP).

2. Không phải đăng ký nội quy lao động tại cơ quan nhà nước
Doanh nghiệp sử dụng dưới 10 người lao động không phải đăng ký nội quy lao động tại cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi người sử dụng lao động đăng ký kinh doanh (Căn cứ khoản 1 Điều 119 Bộ luật Lao động 2019).

3. Không phải tổ chức hội nghị người lao động
Hội nghị người lao động do doanh nghiệp phối hợp với tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở (nếu có) và nhóm đại diện đối thoại của người lao động (nếu có) tổ chức hằng năm theo hình thức hội nghị toàn thể hoặc hội nghị đại biểu (Căn cứ khoản 1 Điều 47 Nghị định 145/2020/NĐ-CP).

Tuy nhiên, theo khoản 4 Điều 114 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, doanh nghiệp sử dụng dưới 10 người lao động thì không phải tổ chức hội nghị người lao động.

4. Không phải ban hành quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc
Doanh nghiệp có trách nhiệm ban hành quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc để thực hiện các nội dung quy định về đối thoại tại nơi làm việc và thực hiện dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc (Căn cứ Điều 48 Nghị định 145/2020/NĐ-CP).

Khi xây dựng, sửa đổi, bổ sung quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc, doanh nghiệp phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở (nếu có) và nhóm đại diện đối thoại của người lao động (nếu có) để hoàn thiện và ban hành. Đối với những góp ý của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở và nhóm đại diện đối thoại của người lao động mà doanh nghiệp không tiếp thu thì phải nêu rõ lý do.

Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc phải được phổ biến công khai tới người lao động.

Tuy nhiên, theo khoản 4 Điều 114 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, doanh nghiệp sử dụng dưới 10 người lao động thì không phải ban hành quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc.

5. Doanh nghiệp siêu nhỏ được bố trí phụ trách kế toán mà không bắt buộc phải bố trí kế toán trưởng
Các doanh nghiệp siêu nhỏ được bố trí phụ trách kế toán mà không bắt buộc phải bố trí kế toán trưởng (Căn cứ khoản 1 Điều 8 Thông tư 132/2018/TT-BTC).

Căn cứ khoản 1 Điều 5 Nghị định 80/2021/NĐ-CP, doanh nghiệp siêu nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; lĩnh vực công nghiệp và xây dựng sử dụng lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 3 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 3 tỷ đồng.

Doanh nghiệp siêu nhỏ trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ sử dụng lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 10 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 3 tỷ đồng.

6. Doanh nghiệp siêu nhỏ được áp dụng các thủ tục hành chính về thuế, kế toán đơn giản
Doanh nghiệp siêu nhỏ được áp dụng các thủ tục hành chính thuế và chế độ kế toán đơn giản theo quy định của pháp luật về thuế, kế toán (Căn cứ khoản 2 Điều 10 Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017).

Lưu ý, hiện nay việc hướng dẫn chế độ kế toán cho doanh nghiệp siêu nhỏ được thực hiện theo Thông tư 132/2018/TT-BTC.