Giờ làm việc là một trong những nội dung được người lao động vô cùng quan tâm. Từ 1-1-2021, Bộ luật Lao động 2019 chính thức có hiệu lực. Bộ luật mới với quy định về thời giờ làm việc, thay đổi đáng kể so với Bộ luật lao động 2012 mà người lao động cần chú ý.
1. Thời gian làm thêm đến 40 giờ/tháng
Theo quy định trước đây tại Điều 106 Bộ luật lao động 2012, trường hợp áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong một ngày và không quá 30 giờ trong một tháng
Theo quy định mới tại Điều 107 Bộ luật lao động 2019 thì số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm được điều chỉnh không quá 40 giờ trong một tháng.
Như vậy, theo quy định mới số giờ làm thêm của người lao động tối đa trong một tháng được tăng từ 30 giờ lên 40 giờ.
2. Người sử dụng lao động có quyền quyết định thời giờ làm việc theo ngày hoặc tuần nhưng phải thông báo cho người lao động biết.
Từ ngày 1/1/2021, Bộ Luật Lao động 2019 chính thức có hiệu lực. Theo khoản 2 Điều 105 Bộ luật Lao động 2019 quy định, người sử dụng lao động có quyền quy định thời giờ làm việc theo ngày hoặc tuần nhưng phải thông báo cho người biết. 
Đồng thời, Bộ luật lao động mới cũng bỏ quy định "người sử dụng lao động có quyền quy định làm việc theo giờ" đang được áp dụng tại Điều 104 Bộ Luật Lao động 2012.
Bên cạnh đó, Bộ luật lao động năm 2019 không đặt ra mức giới hạn cụ thể đối với thời gian làm công việc nặng nhọc, độc hại như hiện nay.
Thay vì quy định cụ thể thời giờ làm việc không quá 06 giờ/ngày đối với công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm như Bộ luật Lao động năm 2012. Theo quy định tại khoản 3 Điều 105 Bộ luật Lao động 2019 thì người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm giới hạn thời gian làm việc tiếp xúc với yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại đúng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và pháp luật có liên quan.
3. Không giới hạn số giờ làm thêm trong trường hợp đặc biệt
Đây được coi là một điểm mới đáng chú ý của Bộ luật lao động 2019. Theo Điều 108 Bộ luật lao động 2019, trong trường hợp đặc biệt, người sử dụng lao động có quyền yêu cầu người lao động làm thêm giờ vào bất kỳ ngày nào mà không bị giới hạn về số giờ làm thêm và người lao động không được từ chối trong trường hợp sau đây:
- Thực hiện lệnh động viên, huy động bảo đảm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật;
- Thực hiện các công việc nhằm bảo vệ tính mạng con người, tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng ngừa, khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm và thảm họa, trừ trường hợp có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của người lao động theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.
4. Thêm trường hợp người lao động làm thêm không quá 300 giờ/năm
So với Nghị định 45/2013/NĐ-CP và Bộ luật lao động 2012 thì khoản 3 Điều 107 Bộ luật lao động 2019 đã bổ sung thêm 3 trường hợp người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm không quá 300 giờ/năm. Các trường hợp mới gồm:
- Sản xuất, gia công xuất khẩu sản phẩm điện, điện tử, chế biến diêm nghiệp.
- Trường hợp giải quyết công việc đòi hỏi lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao mà thị trường lao động không cung ứng đầy đủ, kịp thời.
- Trường hợp khác do Chính phủ quy định.
Đồng thời, quy định mới vẫn giữ nguyên các trường hợp được cho phép làm thêm đến 300 giờ trong năm nêu tại Nghị định 45/2013/NĐ-CP và Bộ luật lao động 2012.
5. Thêm 4 công việc được quy định thời giờ làm việc riêng
Điều 116 Bộ luật lao động 2019 đã bổ sung thêm 4 trường hợp được quy định thời giờ làm việc riêng so với Bộ luật lao động 2012;
- Công việc tin học, công nghệ tin học.
- Nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến.
- Thiết kế công nghiệp.
- Các công việc có tính chất đặc biệt khác do Chính phủ quy định
Căn cứ pháp lý:
Bộ luật lao động 2019