Bảo hiểm xã hội (BHXH) được Nhà nước tổ chức theo 02 loại hình: BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện. Khi người lao động chuyển từ đóng BHXH bắt buộc sang tự nguyện cần lưu ý như sau:
1. Trường hợp được chuyển đóng bảo hiểm bắt buộc sang tự nguyện
Căn cứ khoản 4 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, người lao động tham gia BHXH tự nguyện phải đáp ứng các điều kiện sau:

- Công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên.

- Không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.

Theo đó, người lao động chỉ được chuyển từ BHXH bắt buộc sang đóng BHXH tự nguyện khi không còn thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.

Sau khi nghỉ việc tại doanh nghiệp, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, người lao động có thể tham gia BHXH tự nguyện để tích lũy thêm thời gian đóng BHXH tính hưởng lương hưu.

2. Chế độ khi tham gia BHXH bắt buộc và tự nguyện

Theo Điều 4 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì chế độ bảo hiểm bao gồm:

- Bảo hiểm xã hội bắt buộc có các chế độ sau đây: Ốm đau; Thai sản; Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; Hưu trí; Tử Tuất.

NLĐ tham gia BHXH bắt buộc được giải quyết các chế độ ốm đau, thai sản, hưu trí, tử tuất, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp khi đáp ứng đủ các điều kiện tương ứng theo quy định của pháp luật.

- Bảo hiểm xã hội tự nguyện có các chế độ sau đây: Hưu trí; Tử tuất

3. Lưu ý khi chuyển từ đóng BHXH bắt buộc sang tự nguyện

Theo khoản 5 Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về thời gian đóng BHXH như sau:

5. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội là thời gian được tính từ khi người lao động bắt đầu đóng bảo hiểm xã hội cho đến khi dừng đóng. Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội không liên tục thì thời gian đóng bảo hiểm xã hội là tổng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội.

Ngoài ra, theo khoản 3 Điều 5 Luật BHXH 2014 người lao động vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng chế độ hưu trí và chế độ tử tuất trên cơ sở thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội.

Do đó, nếu chuyển đóng từ BHXH bắt buộc sang tự nguyện, người lao động sẽ không còn được hưởng chế độ về thai sản, ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nhưng được cộng nối thời gian để hưởng chế độ hưu trí và tử tuất.

Căn cứ pháp lý:

Luật Bảo hiểm xã hội 2014