Người quyết định đầu tư, chủ đầu tư, người quản lý, sử dụng công trình mà có hành vi vi phạm khi xảy ra sự cố công trình thì bị xử phạt thế nào? 
1. Sự cố công trình là gì? Chủ đầu tư, nhà thầu, chủ quản lý sử dụng công trình phải làm gì khi xảy ra sự cố công trình?
Theo quy định tại khoản 34 Điều 3 Luật Xây dựng 2014: Sự cố công trình xây dựng là hư hỏng vượt quá giới hạn an toàn cho phép, làm cho công trình xây dựng hoặc kết cấu phụ trợ thi công xây dựng công trình có nguy cơ sập đổ, đã sập đổ một phần hoặc toàn bộ trong quá trình thi công xây dựng và khai thác sử dụng công trình.

Trong quá trình thi công xây dựng, vận hành, khai thác sử dụng công trình nếu phát hiện nguy cơ mất an toàn, nguy cơ xảy ra sự cố công trình ảnh hưởng đến an toàn tính mạng, công trình lân cận và cộng đồng thì chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng, chủ quản lý sử dụng công trình có trách nhiệm sau:

- Kịp thời yêu cầu dừng thi công, vận hành, khai thác sử dụng công trình và thực hiện các biện pháp để bảo đảm an toàn cho người và tài sản.

- Thực hiện các biện pháp cần thiết để hạn chế và ngăn ngừa các nguy hiểm có thể xảy ra đối với công trình; thông báo kịp thời cho tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có liên quan.

- Bảo vệ hiện trường, trừ trường hợp phải khắc phục khẩn cấp để ngăn chặn thiệt hại.

(Căn cứ theo khoản 1 Điều 119 Luật Xây dựng 2014).

2. Người quyết định đầu tư, chủ đầu tư, người sử dụng công trình vi quy định khi xảy ra sự cố công trình bị xử phạt thế nào?
Theo quy định tại Điều 22 và điểm c khoản 3 Điều 4 Nghị định 16/2022/NĐ-CP, người quyết định đầu tư, chủ đầu tư hoặc chủ sở hữu, người quản lý, sử dụng công trình vi phạm quy định khi xảy ra sự cố công trình sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính như sau:

Hình thức phạt tiền

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với tổ chức hoặc phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với cá nhân có một trong các hành vi sau đây:

(i) Không hoặc chậm khai báo khi xảy ra sự cố công trình xây dựng, sự cố gây mất an toàn lao động.

(ii) Không lập hồ sơ sự cố công trình theo quy định.

Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với tổ chức hoặc phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với cá nhân có một trong các hành vi sau đây:

(iii) Không tổ chức bảo vệ hiện trường sự cố công trình hoặc tự ý phá dỡ, thu dọn hiện trường khi chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.

(iv) Không xử lý và khắc phục hậu quả khi xảy ra sự cố công trình xây dựng, sự cố gây mất an toàn lao động.

Biện pháp khắc phục hậu quả:

- Buộc báo cáo bằng văn bản với cơ quan có thẩm quyền với hành vi (i) nêu tại Mục 2 này.

- Buộc lập hồ sơ sự cố công trình với hành vi (ii) nêu tại Mục 2 này.

- Buộc tổ chức bảo vệ hiện trường sự cố công trình với hành vi (iii) nêu tại Mục 2 này.

- Buộc xử lý và khắc phục hậu quả với hành vi (iv) nêu tại Mục 2 này.

3. Người quyết định đầu tư, chủ đầu tư, người sử dụng công trình vi phạm về quản lý, lưu trữ hồ sơ bị xử phạt thế nào?
Tại Điều 21 và điểm c khoản 3 Điều 4 Nghị định 16/2022/NĐ-CP quy định: Người quyết định đầu tư, chủ đầu tư hoặc chủ sở hữu, người quản lý, sử dụng công trình có hành vi vi phạm quy định về quản lý, lưu trữ hồ sơ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính như sau:

Hình thức phạt tiền

Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với tổ chức hoặc phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với cá nhân có một trong các hành vi sau đây:

- Không lưu trữ hoặc lưu trữ không đầy đủ hồ sơ đồ án quy hoạch xây dựng theo quy định.

- Không lưu trữ hồ sơ hoàn thành công trình xây dựng hoặc lưu trữ không đầy đủ danh mục tài liệu theo quy định.

Biện pháp khắc phục hậu quả

Ngoài hình thức phạt tiền, người quyết định đầu tư, chủ đầu tư hoặc chủ sở hữu, người quản lý, sử dụng công trình còn bị buộc thực hiện việc lưu trữ hoặc bổ sung đầy đủ danh mục tài liệu lưu trữ với hành vi vi phạm nêu tại Mục 3 này.