Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 có hiệu lực từ ngày 01/01/2023 có nhiều điểm mới được bổ sung để phù hợp với thực tiễn, trong đó bao gồm các quy định về hợp đồng bảo hiểm vô hiệu. Vậy, trường hợp nào hợp đồng bảo hiểm được xem là vô hiệu theo quy định mới? 
1. Khái niệm hợp đồng bảo hiểm
Theo quy định tại khoản 16 Điều 4 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 thì hợp đồng bảo hiểm là sự thoả thuận giữa bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô, theo đó bên mua bảo hiểm phải đóng phí bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng.

Các loại hợp đồng bảo hiểm bao gồm:

- Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ;

- Hợp đồng bảo hiểm sức khỏe;

- Hợp đồng bảo hiểm tài sản;

- Hợp đồng bảo hiểm thiệt hại;

- Hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm.

Hợp đồng bảo hiểm tài sản, hợp đồng bảo hiểm thiệt hại, hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm thuộc loại hình bảo hiểm phi nhân thọ.

2. Các trường hợp hợp đồng bảo hiểm vô hiệu
Hiện nay, khoản 1 Điều 22 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000 quy định 05 trường hợp hợp đồng bảo hiểm xã hội vô hiệu, gồm có:

(1) Bên mua bảo hiểm không có quyền lợi có thể được bảo hiểm;

(2) Tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm, đối tượng bảo hiểm không tồn tại;

(3) Tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm, bên mua bảo hiểm biết sự kiện bảo hiểm đã xảy ra;

(4) Bên mua bảo hiểm hoặc doanh nghiệp bảo hiểm có hành vi lừa dối khi giao kết hợp đồng bảo hiểm;

(5) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 đã quy định theo hướng cụ thể hơn và bổ sung thêm một số trường hợp hợp đồng bảo hiểm bị xem là vô hiệu. Như vậy, kể từ ngày 01/01/2023, hợp đồng bảo hiểm sẽ bị xem là vô hiệu nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

(1) Bên mua bảo hiểm không có quyền lợi có thể được bảo hiểm tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm;

(2) Không có đối tượng bảo hiểm tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm;

(3) Tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm, bên mua bảo hiểm biết sự kiện bảo hiểm đã xảy ra;

(4) Mục đích, nội dung hợp đồng bảo hiểm vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội;

(5) Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài và bên mua bảo hiểm giao kết hợp đồng bảo hiểm giả tạo;

(6) Bên mua bảo hiểm là người chưa thành niên; người mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;

(7) Hợp đồng bảo hiểm được giao kết có sự nhầm lẫn làm cho một bên hoặc các bên không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng, trừ trường hợp mục đích giao kết hợp đồng của các bên đã đạt được hoặc các bên có thể khắc phục ngay được sự nhầm lẫn làm cho mục đích của việc giao kết hợp đồng vẫn đạt được;

(8) Hợp đồng bảo hiểm được giao kết do bị lừa dối, trừ trường hợp một trong 02 bên vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin;

(9) Hợp đồng bảo hiểm được giao kết do bị đe dọa, cưỡng ép;

(10) Bên mua bảo hiểm không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình khi giao kết hợp đồng bảo hiểm;

(11) Hợp đồng bảo hiểm không tuân thủ quy định về hình thức hợp đồng phải được lập thành văn bản.

3. Hậu quả pháp lý của hợp đồng bảo hiểm vô hiệu
Khi hợp đồng bảo hiểm vô hiệu thì hợp đồng không có hiệu lực từ thời điểm giao kết. Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài và bên mua bảo hiểm hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường. (khoản 2 Điều 25 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022).

Căn cứ pháp lý

- Luật Kinh doanh bảo hiểm xã hội 2000;

- Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022.