Khái niệm thanh khoản là gì? Ý nghĩa của thanh khoản đối với doanh nghiệp là như thế nào? 
1. Thanh khoản là gì?
Hiện nay, vẫn chưa có có bất kỳ văn bản quy phạm pháp luật nào quy định cụ thể về khái niệm “thanh khoản”. Tuy vậy, có thể hiểu: 

- Tính thanh khoản (tiếng Anh là Liquidity) là một thuật ngữ thể hiện mức độ linh hoạt của một tài sản bất kỳ trong đó việc mua bán trên thị trường không làm thay đổi giá trị thị trường của tài sản đó.

- Hiểu đơn giản hơn, tính thanh khoản thể hiện khả năng chuyển đổi thành tiền mặt của một tài sản hoặc sản phẩm nào đó.

Theo đó, tiền mặt có tính thanh khoản cao nhất bởi nó luôn luôn dùng trực tiếp để thanh toán, lưu thông, tích trữ… Còn các tài sản khác như bất động sản, máy móc,…sẽ có tính thanh khoản thấp hơn vì để đổi các tài sản này thành tiền mặt thì cần phải mất một thời gian.

2. Ý nghĩa của thanh khoản đối với doanh nghiệp?
Đối với doanh nghiệp, việc đánh giá tính thanh khoản không chỉ mang lại lợi ích cho ngân hàng, nhà đầu tư, đối tác, nhà cung cấp mà còn giúp doanh nghiệp tự đánh giá được tình hình thanh khoản hiện tại để kịp thời đưa ra phương án xử lý phù hợp. Một số ý nghĩa của tính thanh khoản với doanh nghiệp như sau:

- Tính thanh khoản cho phép đo lường khả năng thanh toán của doanh nghiệp và đánh giá mức độ khả dụng của tài sản. Điều này rất quan trọng để đảm bảo rằng doanh nghiệp có đủ tiền để thanh toán các khoản nợ và các chi phí liên quan khác.

- Thanh khoản còn là phương thức đo lường rủi ro tài chính của doanh nghiệp. Nếu chỉ số thanh khoản của doanh nghiệp thấp, có nghĩa là các tài sản của doanh nghiệp không dễ dàng chuyển đổi thành tiền mặt để thanh toán các khoản nợ hoặc các chi phí khác. Vì vậy, doanh nghiệp sẽ đối mặt với rủi ro vỡ nợ hoặc phá sản.

- Chỉ số thanh khoản có thể giúp quản lý tài chính của doanh nghiệp đưa ra quyết định hiệu quả về việc quản lý dòng tiền. Nếu chỉ số thanh khoản thấp, doanh nghiệp phải tìm cách tăng thu nhập hoặc giảm chi phí để đảm bảo về khả năng thanh toán các khoản nợ.

Bên cạnh đó, việc nhận biết tính thanh khoản sẽ giúp linh hoạt dòng tiền, có cơ hội tái đầu tư... Nếu chỉ số thanh khoản cao, doanh nghiệp có thể được coi là một lựa chọn đầu tư tốt hơn so với doanh nghiệp có chỉ số thanh khoản thấp.

Ngoài ra, những ngân hàng và tổ chức tài chính sẽ đánh giá khả năng thanh toán của doanh nghiệp. Họ thường ưu tiên cho các doanh nghiệp có chỉ số thanh khoản cao hơn. Vì vậy, việc cải thiện chỉ số thanh khoản sẽ giúp doanh nghiệp tăng khả năng vay vốn và thuận lợi hơn trong việc tìm kiếm các nguồn tài trợ khác nhau.

3. Xếp loại tài sản theo tính thanh khoản
Các loại tài sản theo tính thanh khoản được xếp loại từ cao đến thấp cự thể như sau:

- Tiền mặt;

- Đầu tư ngắn hạn;

- Khoản phải thu;

- Ứng trước ngắn hạn;

- Hàng tồn kho.

Tiền mặt có tính thanh khoản cao nhất bởi luôn luôn dùng trực tiếp để thanh toán, lưu thông, tích trữ.  Còn hàng tồn kho là tài sản có tính thanh khoản thấp nhất bởi vì nó phải trải qua nhiều giai đoạn như phân phối, tiêu thụ, chuyển thành khoản phải thu, sau đó một thời gian mới chuyển thành tiền mặt.

Đặc biệt, ngoài các loại tài sản nêu trên thì chứng khoán cũng là một loại tài sản có khả năng thanh khoản.
 

Điều 11. Khả năng thanh khoản – Thông tư 52/2018/TT-NHNN

Tiêu chí khả năng thanh khoản của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được đánh giá, cho điểm theo các nhóm chỉ tiêu sau đây:

1. Nhóm chỉ tiêu định lượng:

a) Tỷ lệ tài sản có tính thanh khoản cao bình quân so với tổng tài sản bình quân;

b) Tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung và dài hạn;

c) Tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi;

d) Tỷ lệ tiền gửi của khách hàng có số dư tiền gửi lớn so với tổng tiền gửi.

2. Nhóm chỉ tiêu định tính:

a) Tuân thủ các quy định pháp luật về tỷ lệ khả năng chi trả, tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn, tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi;

b) Tuân thủ các quy định pháp luật về ban hành, rà soát, sửa đổi, bổ sung và báo cáo quy định nội bộ về quản lý thanh khoản và tuân thủ các quy định pháp luật khác về quản lý rủi ro thanh khoản.