Khi mới bắt đầu đi làm, các bạn sinh viên thường rơi vào tình trạng mơ hồ về những quyền và lợi ích mà mình đáng được hưởng. Bài viết dưới đây sẽ giúp các bạn trang bị cho mình những kiến thức pháp luật lao động cơ bản để tránh bị các NTD “bóc lột”:
1. Giai đoạn tìm việc, phỏng vấn
Trước khi bắt đầu một công việc, sinh viên cần chuẩn bị một bộ hồ sơ “đẹp” để tạo ấn tượng với nhà tuyển dụng (NTD). Tùy vào yêu cầu của nhà tuyển dụng mà hồ sơ ứng tuyển có thể bao gồm các loại giấy tờ sau:

(1) Đơn/Thư tìm việc;

(2) CV tìm việc (Curriculum Vitae);

(3) Sơ yếu lý lịch tự thuật có xác nhận của địa phương;

(4) Bản sao các bằng cấp/chứng chỉ có liên quan;

(5) Bản sao giấy tờ tùy thân (CMND, CCCD);

(6) Ảnh chân dung 3x4 hoặc 4x6; và

(7) Giấy khám sức khỏe tổng quát tại các cơ sở y tế.

Lưu ý: Theo Điều 17 Bộ luật Lao động 2019, NTD không được thu giữ bản chính các loại giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của ứng viên. Trường hợp vi phạm có thể bị xử phạt từ 20 - 25 triệu đồng (theo điểm a khoản 2 Điều 9 Nghị định 12/2022/NĐ-CP). Mức phạt đối với tổ chức được áp dụng gấp 02 lần theo khoản 1 Điều 6 Nghị định này. Đồng thời, NTD còn bị buộc phải trả lại bản chính các loại giấy tờ đã thu giữ của ứng viên.

2. Giai đoạn thử việc
Sau khi nhận được thông báo trúng tuyển từ NTD, ứng viên thường sẽ trải qua giai đoạn thử việc. Tùy theo tính chất và mức độ phức tạp của công việc, các bên có thể thỏa thuận về thời gian thử việc nhưng phải đảm bảo:

(1) Chỉ được thử việc 01 lần đối với 01 công việc;

(2) Thời gian thử việc tối đa:

  • Không quá 180 ngày đối với công việc của người quản lý doanh nghiệp;
  • Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên;
  • Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật trung cấp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ; và
  • Không quá 06 ngày làm việc đối với công việc khác.

(3) Mức lương thử việc do các bên thỏa thuận nhưng không được thấp hơn 85% mức lương của công việc đó.

Nếu NSDLĐ vi phạm các quy định trên thì có thể bị xử phạt từ 02 đến 05 triệu đồng theo khoản 2 Điều 10 Nghị định 12/2022/NĐ-CP. Đối với NSDLĐ là tổ chức thì mức phạt được áp dụng gấp 02 lần theo khoản 1 Điều 6 Nghị định này.

Lưu ý: Trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền hủy bỏ hợp đồng thử việc hoặc hợp đồng lao động đã giao kết mà không cần báo trước và không phải bồi thường.

3. Giai đoạn trở thành nhân viên chính thức
Sau thời gian thử việc, NTD phải thông báo kết quả thử việc cho NLĐ, theo đó:

- Nếu thử việc đạt yêu cầu thì NTD tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động (có điều khoản thử việc) đã giao kết hoặc phải giao kết hợp đồng lao động (nếu trước đó giao kết hợp đồng thử việc).

- Nếu thử việc không đạt yêu cầu thì chấm dứt hợp đồng lao động đã giao kết hoặc hợp đồng thử việc.

Khi giao kết hợp đồng lao động, các bạn cần lưu ý những nội dung bắt buộc phải có trong HĐLĐ gồm có:

(1) Tên, địa chỉ của người sử dụng lao động và họ tên, chức danh của người giao kết hợp đồng lao động bên phía NSDLĐ;

(2) Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, số thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người giao kết hợp đồng lao động bên phía NLĐ;

(3) Công việc và địa điểm làm việc;

(4) Thời hạn của hợp đồng lao động;

(5) Mức lương theo công việc hoặc chức danh, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác;

(6) Chế độ nâng bậc, nâng lương;

(7) Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;

(8) Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động;

(9) Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp; và

(10) Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề.

Trong đó, cần chú ý một số nội dung quan trọng sau:

3.1. Chế độ tiền lương

Mức lương chính thức của NLĐ được áp dụng theo thỏa thuận với NSDLĐ, tuy nhiên phải đảm bảo không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố. NLĐ có thể tham khảo bảng lương sau:

Làm việc tại DN thuộc Mức lương tối thiểu Mức lương tối thiểu nếu qua trình độ Đại học, Cao đẳng
Vùng I 4.420.000 đồng/tháng 4.729.400 đồng/tháng
Vùng II 3.920.000 đồng/tháng 4.194.400 đồng/tháng
Vùng III 3.430.000 đồng/tháng 3.670.100 đồng/tháng
Vùng IV 3.070.000 đồng/tháng 3.284.900 đồng/tháng


Lưu ý: Tiền lương có 02 loại: Lương Net và Lương Gross. Trong đó:

- Lương Net là tiền lương thực nhận sau khi đã trừ hết các khoản bảo hiểm và thuế TNCN (NLĐ không cần phải tính toán, nhận đúng số tiền thỏa thuận nhưng có thể phải chịu thuế TNCN theo lương Net);

- Lương Gross là tổng tiền lương khi chưa đóng bảo hiểm và thuế TNCN (NLĐ chủ động tính toán lương, hạn chế tính sai).

Lương Gross = Lương Net + Tiền đóng BHXH bắt buộc + Thuế TNCN

Nếu doanh nghiệp trả lương không đủ hoặc không trả lương cho NLĐ thì tùy theo số lượng NLĐ vi phạm mà mức phạt có thể lên đến 100 triệu đồng (theo khoản 2 Điều 17 và khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).

3.2. Chế độ Bảo hiểm xã hội

Theo điểm b khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định người lao động ký HĐLĐ từ đủ 01 tháng trở lên sẽ được đóng BHXH. Đối với thử việc (theo hợp đồng thử việc) sẽ được đóng BHXH khi kết thúc thử việc và ký HĐLĐ từ đủ 01 tháng trở lên.

Việc đóng BHXH là điều kiện để NLĐ được hưởng các chế độ như: ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, hưu trí và tử tuất. Bên cạnh đó, khi đến tuổi nghỉ hưu và đáp ứng đủ số năm đóng BHXH thì được hưởng lương hưu hằng tháng hoặc được rút BHXH một lần. Trường hợp NLĐ bị chết thì thân nhân được nhận trợ cấp mai táng, trợ cấp tuất,...theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2014.

NLĐ có thể tra cứu, theo dõi việc đóng BHXH của Công ty theo một trong các cách sau:

Cách 1: Tra cứu trên ứng dụng VssID

Cách 2: Tra cứu trên Công thông tin điện tử của BHXH Việt Nam.

Cách 3: Tra cứu qua tin nhắn (cước phí 1000 đồng/tin)

BH QT (mã số BHXH) gửi 8079

BH QT (mã số BHXH) {từ tháng - năm} {đến tháng - năm} gửi 8079

4. Chấm dứt hợp đồng lao động
Khi trở thành nhân viên chính thức, nếu muốn nghỉ việc (đơn phương chấm dứt HĐLĐ) thì NLĐ cần phải tuân thủ điều kiện về thời hạn báo trước như sau:

- Đối với HĐLĐ không xác định thời hạn: ít nhất 45 ngày;

- Đối với HĐLĐ có thời hạn từ 12 đến 36 tháng: ít nhất 30 ngày;

- Đối với HĐLĐ có thời hạn dưới 12 tháng: ít nhất 03 ngày.

Trừ những trường hợp không cần phải báo trước theo khoản 2 Điều 35 Bộ luật Lao động 2019. Nếu vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì NLĐ có thể bị xem là đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật và sẽ phải chịu những bất lợi sau:

- Không được trợ cấp thôi việc;

- Phải bồi thường nửa tháng tiền lương và một khoản tiền tương ứng với tiền lương theo HĐLĐ trong những ngày không báo trước; và

- Phải hoàn trả cho người sử dụng lao động chi phí đào tạo.

Nếu làm việc cho NSDLĐ từ đủ 12 tháng trở lên thì khi chấm dứt HĐLĐ hoặc bị mất việc thì NLĐ được hưởng trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp mất việc.

Căn cứ pháp lý:

  • Bộ luật Lao động 2019;
  • Luật Bảo hiểm xã hội 2014;
  • Nghị định 12/2022/NĐ-CP