Năm 2023, tổ chức tài chính vi mô có thể tự xây dựng biểu mẫu sổ và hình thức sổ kế toán không, pháp luật quy định như thế nào về sổ kế toán?
1. Quy định của pháp luật về sổ kế toán
1.1. Nguyên tắc lập và sử dụng sổ kế toán
Theo quy định tại Điều 24 Luật Kế toán 2015 quy định những nguyên tắc lập và sử dụng sổ kế toán như sau:

- Sổ kế toán dùng để ghi chép, hệ thống và lưu giữ toàn bộ các nghiệp vụ kinh tế, tài chính đã phát sinh có liên quan đến đơn vị kế toán.

- Sổ kế toán phải ghi rõ những mục như:

+ Tên đơn vị kế toán;

+ Tên sổ;

+ Ngày, tháng, năm lập sổ;

+ Ngày, tháng, năm khóa sổ;

+ Chữ ký của người lập sổ, kế toán trưởng và người đại diện theo pháp luật của đơn vị kế toán;

+ Số trang;

+ Đóng dấu giáp lai.

- Những nội dung cần có trong sổ kế toán, bao gồm:

+ Ngày, tháng, năm ghi sổ;

+ Số hiệu và ngày, tháng, năm của chứng từ kế toán dùng làm căn cứ ghi sổ;

+ Tóm tắt nội dung của nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh;

+ Số tiền của nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh ghi vào các tài khoản kế toán;

+ Số dư đầu kỳ, số phát sinh trong kỳ, số dư cuối kỳ.

- Sổ kế toán bao gồm sổ kế toán tổng hợp và sổ kế toán chi tiết.

1.2. Nguyên tắc lập và sử dụng sổ kế toán đối với tổ chức tài chính vi mô
Đối với tổ chức tài chính vi mô (sau đây gọi tắt là TCVM) thì nguyên tắc lập và sử dụng sổ kế toán được quy định cụ thể tại Điều 81 Thông tư 05/2019/TT-BTC như sau:

- Sổ kế toán dùng để ghi chép, hệ thống và lưu giữ toàn bộ các nghiệp vụ kinh tế, tài chính đã phát sinh theo nội dung kinh tế và theo trình tự thời gian có liên quan đến tổ chức tài chính vi mô (gọi tắt là TCVM).

Mỗi TCVM chỉ có một hệ thống sổ kế toán cho một kỳ kế toán. TCVM phải thực hiện các quy định về sổ kế toán trong Luật Kế toán 2015, Nghị định 174/2016/NĐ-CP.

- TCVM được tự xây dựng biểu mẫu sổ kế toán cho riêng mình nhưng phải đảm bảo cung cấp thông tin về giao dịch kinh tế một cách minh bạch, đầy đủ, dễ kiểm tra, dễ kiểm soát và dễ đối chiếu.

- Tùy theo đặc điểm hoạt động và yêu cầu quản lý, TCVM được tự xây dựng hình thức ghi sổ kế toán cho riêng mình trên cơ sở đảm bảo thông tin về các giao dịch phải được phản ánh đầy đủ, kịp thời, dễ kiểm tra, kiểm soát và đối chiếu.

Ngoài ra, căn cứ tại Điều 82 Thông tư 05/2019/TT-BTC quy định người giữ và ghi sổ kế toán đối với TCVM có trách nhiệm như sau:

Sổ kế toán phải được quản lý chặt chẽ, phân công rõ ràng trách nhiệm cá nhân giữ và ghi sổ. Sổ kế toán giao cho nhân viên nào thì nhân viên đó phải chịu trách nhiệm về những điều ghi trong sổ và việc giữ sổ trong suốt thời gian dùng sổ. Khi có sự thay đổi nhân viên giữ và ghi sổ, kế toán trưởng phải tổ chức việc bàn giao trách nhiệm quản lý và ghi sổ kế toán giữa nhân viên cũ và nhân viên mới. Biên bản bàn giao phải được kế toán trưởng ký xác nhận.

2. Quy định của pháp luật về hệ thống sổ kế toán
Theo Điều 25 Luật Kế toán 2015, hệ thống sổ kế toán được pháp luật quy định như sau:

- Đơn vị kế toán phải căn cứ vào hệ thống sổ kế toán do Bộ Tài chính quy định để chọn một hệ thống sổ kế toán áp dụng ở đơn vị.

- Mỗi đơn vị kế toán chỉ sử dụng một hệ thống sổ kế toán cho một kỳ kế toán năm.

- Đơn vị kế toán được cụ thể hoá các sổ kế toán đã chọn để phục vụ yêu cầu kế toán của đơn vị.