NLĐ đình công do giảm tiền thưởng Tết có được không?
17/01/2022
Hiện nay, tuy các công ty đã hoạt động trở lại nhưng do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh nên chưa thể khôi phục hoàn toàn dẫn đến hoạt động kinh doanh chưa phát triển. Do đó, mức thưởng Tết dành ở nhiều công ty đã bị giảm hẳn so với năm ngoái. Khi đó, người lao động có được đình công, ngừng việc để phản đối giảm thưởng Tết không?
1. Công ty có quyền giảm mức thưởng Tết so với năm trước không?
Bộ luật lao động 2019 và các văn bản liên quan không hướng dẫn cụ thể về thưởng Tết mà chỉ quy định chung về thưởng tại Điều 104 Bộ luật này như sau:
Điều 104. Thưởng
1. Thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.
Do đó, Thưởng Tết sẽ không chỉ dựa trên mức độ hoàn thành công việc của NLĐ mà còn căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh của công ty. Pháp luật cũng không quy định mức thưởng Tết cố định nên việc chi trả thưởng Tết là bao nhiêu sẽ phụ thuộc vào tình hình tài chính của mỗi công ty trong một năm.
Nếu công ty kinh doanh tốt, có lợi nhuận cao và người lao động hoàn thành công việc được giao thì người đó sẽ được thưởng Tết. Tuy nhiên, nếu công ty làm ăn thua lỗ, nguồn tài chính hạn hẹp thì có thể sẽ không có thưởng Tết cho người lao động.
Như vậy, khi kết quả kinh doanh không thuận lợi và phát triển thì công ty hoàn toàn có thể giảm mức thưởng Tết so với năm trước. Thậm chí, nếu nguồn tài chính quá hạn hẹp, công ty không thưởng Tết cho người lao động cũng không bị coi là vi phạm.
2. Đình công, ngừng việc vì giảm mức Thưởng Tết có được hay không?
Theo phân tích trên, việc giảm mức thưởng Tết không vi phạm các quy định của pháp luật lao động. Tuy nhiên điều này lại gây tâm lý không tốt đối với người lao động vì một năm qua do dịch bệnh đã làm cho thu nhập của NLĐ bị ảnh hưởng. Khi đó, người lao động có được đình công, ngừng việc để phản đối không?
Thứ nhất, theo quy định tại Điều 199 BLLĐ 2019 quy định những trường hợp NLĐ có quyền đình công:
- Tổ chức đại diện người lao động là bên tranh chấp lao động tập thể về lợi ích có quyền tiến hành thủ tục quy định tại các điều 200, 201 và 202 của Bộ luật này để đình công trong trường hợp sau đây:
- Hòa giải không thành hoặc hết thời hạn hòa giải quy định tại khoản 2 Điều 188 của Bộ luật này mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải;
- Ban trọng tài lao động không được thành lập hoặc thành lập nhưng không ra quyết định giải quyết tranh chấp hoặc người sử dụng lao động là bên tranh chấp không thực hiện quyết định giải quyết tranh chấp của Ban trọng tài lao động.
Do đó, người lao động có quyền đình công khi phát sinh tranh chấp lao động lao động tập thể về lợi ích. Đây là những tranh chấp phát sinh trong quá trình thương lượng tập thể hoặc khi một bên từ chối thương lượng hoặc không tiến hành thương lượng.
Như vậy, việc phản đối giảm thưởng Tết không phải lý do được pháp luật công nhận là đình công hợp pháp.
Thứ hai, liên quan đến ngừng việc thì theo Điều 99 Bộ luật này quy định có 03 trường hợp ngừng việc bao gồm:
- Do lỗi của người sử dụng lao động.
- Do lỗi của người lao động.
- Do sự cố về điện, nước (không do lỗi của người sử dụng) hoặc do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm,…
Trong đó, nếu ngừng việc do lỗi của người lao động thì người đó sẽ không được tính lương. Như vậy, nếu tự ý ngừng việc để phản đối việc giảm thưởng Tết, người lao động sẽ không được tính lương.
Ngoài ra, khi tự ý ngừng việc, NLĐ còn bị coi là tự ý bỏ việc và có thể bị xử lý kỷ luật sa thải hoặc bị đơn phương chấm dứt hợp đồng (theo khoản 4 Điều 125 và điểm e khoản 1 Điều 36 Bộ luật Lao động).
Tóm lại, đình công hay ngừng việc do giảm mức thưởng Tết đều là những hành động không được coi là đúng quy định pháp luật. Do đó, NLĐ nên lưu ý những điều nêu trên để đảm bảo quyền và lợi ích của bản thân