Năm 2024, người đại diện theo pháp luật có được xuất cảnh khi công ty nợ thuế?
28/05/2024
Trong năm 2024, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp bị nợ thuế thì có được xuất cảnh đi nước ngoài hay không?
1. Năm 2024, công ty nợ thuế thì người đại diện theo pháp luật có được xuất cảnh?
Căn cứ khoản 1 Điều 21 Nghị định 126/2020/NĐ-CP, các trường hợp tạm hoãn xuất cảnh bao gồm:
- Cá nhân, cá nhân là người đại diện theo pháp luật của người nộp thuế là doanh nghiệp thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.
- Người Việt Nam xuất cảnh để định cư ở nước ngoài chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.
- Người Việt Nam định cư ở nước ngoài trước khi xuất cảnh chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.
- Người nước ngoài trước khi xuất cảnh từ Việt Nam chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.
Như vậy, công ty đang nợ thuế thì người đại diện theo pháp luật sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh theo quy định pháp luật nêu trên.
2. Những trường hợp nào bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế năm 2024?
Căn cứ Điều 2 Thông tư 215/2013/TT-BTC, những trường hợp bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế bao gồm:
(i) Đối với người nộp thuế:
- Người nộp thuế nợ tiền thuế, tiền chậm nộp tiền thuế đã quá 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế, hết thời hạn gia hạn nộp thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế 2019 và của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Người nộp thuế còn nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp tiền thuế có hành vi bỏ trốn, tẩu tán tài sản.
- Người nộp thuế không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế thì bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế. Trường hợp quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế có thời hạn thi hành nhiều hơn 10 ngày mà người nộp thuế không chấp hành quyết định xử phạt theo thời hạn ghi trên quyết định xử phạt thì bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế (trừ trường hợp được hoãn hoặc tạm đình chỉ thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế).
(ii) Tổ chức tín dụng không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế 2019 và Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012.
(iii) Tổ chức bảo lãnh nộp tiền thuế cho người nộp thuế: quá thời hạn quy định 90 ngày, kể từ ngày hết hạn nộp tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp tiền thuế theo văn bản chấp thuận của cơ quan thuế mà người nộp thuế chưa nộp đủ vào ngân sách nhà nước thì bên bảo lãnh bị cưỡng chế theo quy định của Luật Quản lý thuế 2019 và Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012.
(iv) Kho bạc nhà nước, kho bạc nhà nước cấp tỉnh, kho bạc nhà nước cấp huyện (sau đây gọi chung là kho bạc nhà nước) không thực hiện việc trích chuyển tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế mở tại kho bạc nhà nước để nộp vào ngân sách nhà nước theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế của cơ quan thuế.
(v) Tổ chức, cá nhân có liên quan không chấp hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế của cơ quan có thẩm quyền.
3. Những biện pháp nào là cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế năm 2024?
Căn cứ khoản 1 Điều 3 Thông tư 215/2013/TT-BTC, có những biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế sau:
(i) Trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế tại kho bạc nhà nước, tổ chức tín dụng; yêu cầu phong tỏa tài khoản.
(ii) Khấu trừ một phần tiền lương hoặc thu nhập.
(iii) Thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng.
(iv) Kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên theo quy định của pháp luật để thu tiền thuế nợ, tiền phạt, tiền chậm nộp tiền thuế vào ngân sách nhà nước.
(v) Thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế do tổ chức, cá nhân khác đang giữ.
(vi) Thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề.