Doanh nghiệp có thể bị ngân hàng có thể thu hồi nợ trước hạn trong những trường hợp nào? Phương thức và thời hạn cho vay phục vụ hoạt động kinh doanh được quy định như thế nào?
1. Doanh nghiệp có thể bị thu hồi nợ trước hạn trong những trường hợp nào?
Căn cứ khoản 1 Điều 21 Thông tư 39/2016/TT-NHNN, ngân hàng có quyền chấm dứt cho vay, thu hồi nợ trước hạn theo nội dung đã thỏa thuận khi:

- Phát hiện khách hàng cung cấp thông tin sai sự thật.

- Vi phạm quy định trong thỏa thuận cho vay và/hoặc hợp đồng bảo đảm tiền vay.

Lưu ý: Khi thực hiện chấm dứt cho vay, thu hồi nợ trước hạn theo thỏa thuận trong thỏa thuận cho vay, tổ chức tín dụng phải thông báo cho khách hàng về việc chấm dứt cho vay, thu hồi nợ trước hạn.

Nội dung thông báo về việc chấm dứt cho vay, thu hồi nợ trước hạn tối thiểu bao gồm:

- Thời điểm chấm dứt cho vay, thu hồi nợ trước hạn, số dư nợ gốc bị thu hồi trước hạn.

- Thời hạn hoàn trả số dư nợ gốc bị thu hồi trước hạn, thời điểm chuyển nợ quá hạn.

- Lãi suất áp dụng đối với số dư nợ gốc bị thu hồi trước hạn.

2. Có những phương thức cho vay phục vụ hoạt động kinh doanh nào?
Căn cứ Điều 27 Thông tư 39/2016/TT-NHNN (được sửa đổi bởi khoản 10 Điều 1 Thông tư 06/2023/TT-NHNN), có những phương thức cho vay phục vụ hoạt động kinh doanh sau:

(i) Cho vay từng lần.

(ii) Cho vay hợp vốn.

(iii) Cho vay lưu vụ.

(iv) Cho vay theo hạn mức.

(v) Cho vay theo hạn mức dự phòng.

(vi) Cho vay theo hạn mức thấu chi trên tài khoản thanh toán.

(vii) Cho vay quay vòng.

(viii) Cho vay tuần hoàn (rollover).

(ix) Các phương thức cho vay khác được kết hợp các phương thức cho vay nêu trên phù hợp với điều kiện hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng và đặc điểm của khoản vay.

3. Thời hạn cho vay phục vụ hoạt động kinh doanh
Căn cứ Điều 28 Thông tư 39/2016/TT-NHNN, quy định về thời hạn cho vay phục vụ hoạt động kinh doanh như sau:

(i) Tổ chức tín dụng và khách hàng căn cứ vào chu kỳ hoạt động kinh doanh, thời hạn thu hồi vốn, khả năng trả nợ của khách hàng, nguồn vốn cho vay và thời hạn hoạt động còn lại của tổ chức tín dụng để thỏa thuận về thời hạn cho vay.

(ii) Đối với khách hàng là pháp nhân được thành lập và hoạt động tại Việt Nam, pháp nhân được thành lập ở nước ngoài và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam, thời hạn cho vay không quá thời hạn hoạt động hợp pháp còn lại của khách hàng; đối với cá nhân có quốc tịch nước ngoài cư trú tại Việt Nam, thời hạn cho vay không vượt quá thời hạn được phép cư trú còn lại tại Việt Nam.

Điều 20. Nợ quá hạn  - Thông tư 39/2016/TT-NHNN

Tổ chức tín dụng chuyển nợ quá hạn đối với số dư nợ gốc mà khách hàng không trả được nợ đúng hạn theo thỏa thuận và không được tổ chức tín dụng chấp thuận cơ cấu lại thời hạn trả nợ; thông báo cho khách hàng về việc chuyển nợ quá hạn. Nội dung thông báo tối thiểu bao gồm số dư nợ gốc bị quá hạn, thời điểm chuyển nợ quá hạn và lãi suất áp dụng đối với dư nợ gốc bị quá hạn.

Điều 25. Phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại - Thông tư 39/2016/TT-NHNN

1. Tổ chức tín dụng và khách hàng được thỏa thuận về việc phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật đối với trường hợp tổ chức tín dụng hoặc khách hàng không thực hiện đúng nội dung trong thỏa thuận cho vay, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 13 Thông tư này.

2. Tổ chức tín dụng và khách hàng có thể thỏa thuận về việc bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm mà không phải bồi thường thiệt hại hoặc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại. Trường hợp tổ chức tín dụng và khách hàng có thỏa thuận về phạt vi phạm nhưng không thỏa thuận về việc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm.