Trước đây tôi nghe là bán hàng dưới 200.000 đồng là không cần phải xuất hóa đơn. Vậy bây giờ có phải xuất hóa đơn không?
1. Bán hàng dưới 200.000 đồng, có phải xuất hóa đơn?
Trước đây, theo quy định tại khoản 1 Điều 18 Thông tư 39/2014/TT-BTC (hết hiệu lực ngày 01/7/2022) thì:

Điều 18. Bán hàng hóa, dịch vụ không bắt buộc phải lập hóa đơn

1. Bán hàng hóa, dịch vụ có tổng giá thanh toán dưới 200.000 đồng mỗi lần thì không phải lập hóa đơn, trừ trường hợp người mua yêu cầu lập và giao hóa đơn.

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 119/2018/NĐ-CP (hết hiệu lực ngày 01/7/2022) khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán (trừ hộ, cá nhân kinh doanh quy định tại khoản 6 Điều 12 Nghị định 119/2018/NĐ-CP) phải lập hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế hoặc hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế để giao cho người mua theo định dạng chuẩn dữ liệu mà cơ quan thuế quy định và phải ghi đầy đủ nội dung, không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.

Hiện hành, theo quy định tại khoản 1 Điều 90 Luật Quản lý thuế 2019 về nguyên tắc lập, quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử thì:

Điều 90. Nguyên tắc lập, quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử

1. Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn điện tử để giao cho người mua theo định dạng chuẩn dữ liệu và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định của pháp luật về thuế, pháp luật về kế toán, không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.

Như vậy, bán hàng hóa, dịch vụ có tổng giá thanh toán dưới 200.000 đồng mỗi lần không phải xuất hóa đơn là quy định cũ, không còn áp dụng.

Hiện nay, khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ thì người bán hàng phải xuất hóa đơn điện tử giao cho người mua mà không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.

2. Hành vi bị cấm trong lĩnh vực hóa đơn, chứng từ
Theo quy định tại Điều 5 Nghị định 123/2020/NĐ-CP thì hành vi bị cấm trong lĩnh vực hóa đơn, chứng từ như sau:

- Đối với công chức thuế:

+ Gây phiền hà, khó khăn cho tổ chức, cá nhân đến mua hóa đơn, chứng từ;

+ Có hành vi bao che, thông đồng cho tổ chức, cá nhân để sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp;

+ Nhận hối lộ khi thanh tra, kiểm tra về hóa đơn.

- Đối với tổ chức, cá nhân bán, cung cấp hàng hóa, dịch vụ, tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan:

+ Thực hiện hành vi gian dối như sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn;

+ Cản trở công chức thuế thi hành công vụ, cụ thể các hành vi cản trở gây tổn hại sức khỏe, nhân phẩm của công chức thuế khi đang thanh tra, kiểm tra về hóa đơn, chứng từ;

+ Truy cập trái phép, làm sai lệch, phá hủy hệ thống thông tin về hóa đơn, chứng từ;

+ Đưa hối lộ hoặc thực hiện các hành vi khác liên quan hóa đơn, chứng từ nhằm mưu lợi bất chính.

3. Bảo quản, lưu trữ hóa đơn, chứng từ
Theo quy định tại Điều 6 Nghị định 123/2020/NĐ-CP thì bảo quản, lưu trữ hóa đơn, chứng từ như sau:

- Hóa đơn, chứng từ được bảo quản, lưu trữ đảm bảo:

+ Tính an toàn, bảo mật, toàn vẹn, đầy đủ, không bị thay đổi, sai lệch trong suốt thời gian lưu trữ;

+ Lưu trữ đúng và đủ thời hạn theo quy định của pháp luật kế toán.

- Hóa đơn điện tử, chứng từ điện tử được bảo quản, lưu trữ bằng phương tiện điện tử. Cơ quan, tổ chức, cá nhân được quyền lựa chọn và áp dụng hình thức bảo quản, lưu trữ hóa đơn điện tử, chứng từ điện tử phù hợp với đặc thù hoạt động và khả năng ứng dụng công nghệ. Hóa đơn điện tử, chứng từ điện tử phải sẵn sàng in được ra giấy hoặc tra cứu được khi có yêu cầu.

- Hóa đơn do cơ quan thuế đặt in, chứng từ đặt in, tự in phải bảo quản, lưu trữ đúng với yêu cầu sau:

+ Hóa đơn, chứng từ chưa lập được lưu trữ, bảo quản trong kho theo chế độ lưu trữ bảo quản chứng từ có giá.

+ Hóa đơn, chứng từ đã lập trong các đơn vị kế toán được lưu trữ theo quy định lưu trữ, bảo quản chứng từ kế toán.

+ Hóa đơn, chứng từ đã lập trong các tổ chức, hộ, cá nhân không phải là đơn vị kế toán được lưu trữ và bảo quản như tài sản riêng của tổ chức, hộ, cá nhân đó.