Lợi nhuận thuần là gì? Cách tính lợi nhuận thuần của doanh nghiệp hiện nay là như thế nào? 
1. Lợi nhuận thuần là gì?
- Lợi nhuận thuần có tên tiếng Anh là “Net profit”, được hiểu là phần lợi nhuận thu được sau khi lấy doanh thu từ hoạt động kinh doanh và doanh thu tài chính trừ đi giá vốn hàng bán và các khoản chi phí bao gồm chi phí tài chính, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp.

- Đây là chỉ tiêu tài chính rất quan trọng vì nó phản ánh kết quả của 2 hoạt động chính trong doanh nghiệp, đó là sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và các hoạt động đầu tư tài chính; là phần đóng góp tỷ trọng chủ yếu khi tính phần lợi nhuận ròng (lợi nhuận giữ lại cuối cùng) mà doanh nghiệp thu được.

- Lợi nhuận thuần còn được biết đến với những tên gọi như: lãi thuần, lợi nhuận từ hoạt động sản xuất, kinh doanh.

2. Cách tính lợi nhuận thuần của doanh nghiệp?
Công thức tính đầy đủ lợi nhuận thuần của doanh nghiệp như sau:

Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh = Doanh thu thuần – Giá vốn hàng bán + (Doanh thu hoạt động tài chính – Chi phí tài chính) – (Chi phí bán hàng + chi phí quản lý doanh nghiệp)

Trong đó:

- Doanh thu thuần: Là khoản doanh thu có được từ các hoạt động bán hàng, cung cấp dịch vụ sau khi trừ đi các khoản giảm trừ doanh thu bao gồm: giảm giá hàng bán, hàng bán bị trả lại, chiết khấu thương mại.

- Giá vốn hàng bán: Là toàn bộ chi phí sử dụng để tạo ra sản phẩm. Giá vốn hàng bán bao gồm các loại chi phí như: Chi phí nguyên vật liệu trực tiếp, chi phí nhân công trực tiếp và chi phí sản xuất chung.

- Doanh thu hoạt động tài chính: Đây là nguồn doanh thu từ lãi cho vay vốn, lãi cho thuê tài chính, các khoản thu về phát sinh từ tiền bản quyền cổ tức hay lợi nhuận được chia trong quá trình hoạt động kinh doanh.

- Chi phí tài chính: Là các khoản chi phí chi trả cho các hoạt động tài chính.

Ngoài ra, lợi nhuận thuần của doanh nghiệp còn được tính theo công thức rút gọn như sau:

Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh = Lợi nhuận gộp – Lợi nhuận tài chính + (Chi phí bán hàng + Chi phí quản lý doanh nghiệp)

Trong đó:

Lợi nhuận gộp = Doanh thu thuần – Giá vốn hàng bán

Lợi nhuận tài chính = Doanh thu tài chính – Chi phí tài chính

3. Ý nghĩa của lợi nhuận thuần là gì?
Lợi nhuận còn lại sau khi trừ các khoản chi phí cung cấp thông tin quan trọng để giúp nhà quản lý đưa ra quyết định kinh doanh.

Nếu lợi nhuận tăng, nghĩa là công ty đang hoạt động tốt hơn và có thể đầu tư vào mở rộng sản xuất, phát triển sản phẩm mới hoặc trả lương cao hơn cho nhân viên. Ngược lại, nếu lợi nhuận giảm, công ty có thể cần phải giảm chi phí hoặc tăng giá để tăng doanh thu và cải thiện lợi nhuận.

Chỉ số còn cho biết công ty đang hoạt động ra sao so với các đối thủ cạnh tranh khác trên thị trường. Nếu lợi nhuận cuối cùng (phần lợi nhuận ròng) của công ty cao hơn so với đối thủ, nghĩa là công ty đang hoạt động tốt hơn và có thể cạnh tranh mạnh hơn trên thị trường.

Đây là một trong những chỉ số quan trọng được nhà đầu tư quan tâm và sử dụng để đánh giá tiềm năng đầu tư của một công ty. Nếu lợi nhuận của công ty tăng thì thu hút được nhà đầu tư hơn.
 

Điều 19. Các trường hợp người nộp thuế được miễn kê khai, miễn lập Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết – Nghị định 132/2020/NĐ-CP

2. Người nộp thuế có trách nhiệm kê khai xác định giá giao dịch liên kết theo Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này nhưng được miễn lập Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết trong các trường hợp sau:

a) Người nộp thuế có phát sinh giao dịch liên kết nhưng tổng doanh thu phát sinh của kỳ tính thuế dưới 50 tỷ đồng và tổng giá trị tất cả các giao dịch liên kết phát sinh trong kỳ tính thuế dưới 30 tỷ đồng;

b) Người nộp thuế đã ký kết Thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế thực hiện nộp Báo cáo thường niên theo quy định pháp luật về Thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế. Các giao dịch liên kết không thuộc phạm vi áp dụng Thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế, người nộp thuế có trách nhiệm kê khai xác định giá giao dịch liên kết theo quy định tại Điều 18 Nghị định này;

c) Người nộp thuế thực hiện kinh doanh với chức năng đơn giản, không phát sinh doanh thu, chi phí từ hoạt động khai thác, sử dụng tài sản vô hình, có doanh thu dưới 200 tỷ đồng, áp dụng tỷ suất lợi nhuận thuần chưa trừ chi phí lãi vay và thuế thu nhập doanh nghiệp (không bao gồm chênh lệch doanh thu và chi phí của hoạt động tài chính) trên doanh thu thuần, bao gồm các lĩnh vực như sau:

- Phân phối: Từ 5% trở lên;

- Sản xuất: Từ 10% trở lên;

- Gia công: Từ 15% trở lên.

Trường hợp người nộp thuế theo dõi, hạch toán riêng doanh thu, chi phí của từng lĩnh vực thì áp dụng tỷ suất lợi nhuận thuần chưa trừ chi phí lãi vay và thuế thu nhập doanh nghiệp trên doanh thu thuần tương ứng với từng lĩnh vực.

Trường hợp người nộp thuế theo dõi, hạch toán riêng được doanh thu nhưng không theo dõi, hạch toán riêng được chi phí phát sinh của từng lĩnh vực trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thì thực hiện phân bổ chi phí theo tỷ lệ doanh thu của từng lĩnh vực để áp dụng tỷ suất lợi nhuận thuần chưa trừ chi phí lãi vay và thuế thu nhập doanh nghiệp trên doanh thu thuần tương ứng với từng lĩnh vực.

Trường hợp người nộp thuế không theo dõi, hạch toán riêng được doanh thu và chi phí của từng lĩnh vực hoạt động sản xuất, kinh doanh để xác định tỷ suất lợi nhuận thuần chưa trừ chi phí lãi vay và thuế thu nhập doanh nghiệp tương ứng với từng lĩnh vực thì áp dụng tỷ suất lợi nhuận thuần chưa trừ chi phí lãi vay và thuế thu nhập doanh nghiệp trên doanh thu thuần của lĩnh vực có tỷ suất cao nhất.

Trường hợp người nộp thuế không áp dụng theo mức tỷ suất lợi nhuận thuần quy định tại điểm này thì phải lập Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết theo quy định.