Vì nôn nóng có việc làm ổn định để trang trải cho cuộc sống nên tôi đã ký vào hợp đồng lao động với những điều khoản bất lợi; giờ người lao động phải làm gì?
Cụ thể, trong hợp đồng lao động có quy định trong thời gian 03 năm kể từ ngày ký hợp đồng lao động này (loại hợp đồng không xác định thời hạn) tôi không được mang thai, nếu mang thai sẽ bị công ty sa thải ngay lập tức và không phải bồi thường gì cho người lao động.

Khi đó, tôi biết đây là điều khoản bất lợi dành cho người lao động; tuy nhiên, tôi buộc phải đồng ý vì không đồng ý sẽ không được ký hợp đồng với công ty. Nay tôi mang thai được 06 tuần (vẫn đang giấu công ty), nếu công ty phát hiện thì tôi có bị sa thải hay không? Tôi phải làm gì để được tiếp tục có được việc làm để có tiền trang trải cho cuộc sống gia đình?

1. Cách giải quyết đối với hợp đồng có điều khoản bất lợi cho người lao động
Về nguyên tắc, nếu hợp đồng lao động có điều khoản bất lợi cho người lao động và điều khoản này vi phạm pháp luật thì sẽ bị vô hiệu (không có hiệu lực) theo Điều 49 Bộ luật Lao động 2019. Trường hợp trong hợp đồng có điều khoản bất lợi cho người lao động, điều khoản bất lợi này chưa đến mức trái pháp luật và người lao động biết rõ nhưng vẫn ký kết hợp đồng thì nó vẫn có hiệu lực.

Điều 49. Hợp đồng lao động vô hiệu – Bộ luật Lao động 2019

1. Hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ trong trường hợp sau đây:

a) Toàn bộ nội dung của hợp đồng lao động vi phạm pháp luật;

b) Người giao kết hợp đồng lao động không đúng thẩm quyền hoặc vi phạm nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động quy định tại khoản 1 Điều 15 của Bộ luật này;

c) Công việc đã giao kết trong hợp đồng lao động là công việc mà pháp luật cấm.

2. Hợp đồng lao động vô hiệu từng phần khi nội dung của phần đó vi phạm pháp luật nhưng không ảnh hưởng đến các phần còn lại của hợp đồng.

Điều 50. Thẩm quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu – Bộ luật Lao động 2019

Tòa án nhân dân có quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu.

Điều 51. Xử lý hợp đồng lao động vô hiệu – Bộ luật Lao động 2019

1. Khi hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu từng phần thì xử lý như sau:

a) Quyền, nghĩa vụ và lợi ích của hai bên được giải quyết theo thỏa ước lao động tập thể đang áp dụng; trường hợp không có thỏa ước lao động tập thể thì thực hiện theo quy định của pháp luật;

b) Hai bên tiến hành sửa đổi, bổ sung phần của hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu để phù hợp với thỏa ước lao động tập thể hoặc pháp luật về lao động.

2. Khi hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu toàn bộ thì quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động được giải quyết theo quy định của pháp luật; trường hợp do ký sai thẩm quyền thì hai bên ký lại.

3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Đối với trường hợp của bạn, dù đã ký kết hợp đồng lao động có điều khoản: trong thời gian 03 năm kể từ ngày ký hợp đồng lao động người lao động không được mang thai, nếu mang thai sẽ bị công ty sa thải ngay lập tức và không phải bồi thường gì cho người lao động, nhưng bạn vi phạm nội dung này thì công ty cũng không được quyền sa thải bạn.

Bởi lẽ, theo khoản 3 Điều 137 Bộ luật Lao động 2019 thì người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động vì lý do mang thai.
2. Chế tài đối với trường hợp sa thải người lao động vì lý do mang thai
Căn cứ khoản 1 Điều 6 và điểm i khoản 2 Điều 28 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, trường hợp người sử dụng lao động sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động vì lý do mang thai thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng (nếu người sử dụng lao động là tổ chức sẽ bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng).

Ngoài việc bị xử phạt nêu trên, người sử dụng lao động còn phải thực hiện nghĩa vụ của mình với người lao động theo Điều 41 Bộ luật Lao động 2019 vì chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật.

Điều 41. Nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật – Bộ luật Lao động 2019

1. Phải nhận người lao động trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã giao kết; phải trả tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong những ngày người lao động không được làm việc và phải trả thêm cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.

Sau khi được nhận lại làm việc, người lao động hoàn trả cho người sử dụng lao động các khoản tiền trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm nếu đã nhận của người sử dụng lao động.

Trường hợp không còn vị trí, công việc đã giao kết trong hợp đồng lao động mà người lao động vẫn muốn làm việc thì hai bên thỏa thuận để sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động.

Trường hợp vi phạm quy định về thời hạn báo trước quy định tại khoản 2 Điều 36 của Bộ luật này thì phải trả một khoản tiền tương ứng với tiền lương theo hợp đồng lao động trong những ngày không báo trước.

2. Trường hợp người lao động không muốn tiếp tục làm việc thì ngoài khoản tiền phải trả quy định tại khoản 1 Điều này người sử dụng lao động phải trả trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 46 của Bộ luật này để chấm dứt hợp đồng lao động.

3. Trường hợp người sử dụng lao động không muốn nhận lại người lao động và người lao động đồng ý thì ngoài khoản tiền người sử dụng lao động phải trả theo quy định tại khoản 1 Điều này và trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 46 của Bộ luật này, hai bên thỏa thuận khoản tiền bồi thường thêm cho người lao động nhưng ít nhất bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động để chấm dứt hợp đồng lao động.