Lãi suất thả nổi là gì? Lãi suất thả nổi hiện nay là bao nhiêu?
1. Lãi suất thả nổi là gì?
Lãi suất thả nổi là một trong hai loại lãi suất cho vay phổ biến, bên cạnh lãi suất cố định. Khác với lãi suất cố định không thay đổi trong suốt thời gian vay thì lãi suất thả nổi sẽ có những thay đổi tùy theo thị trường và được điều chỉnh theo thời gian.

Nếu như lãi suất cố định là loại lãi suất được cố định sẵn trong suốt thời gian vay, thì lãi suất thả nổi lại phụ thuộc nhiều vào tình hình thị trường và được điều chỉnh theo từng mốc thời gian. Ngân hàng sẽ thỏa thuận với người vay về thời gian điều chỉnh cụ thể và mức điều chỉnh dựa vào lãi suất tham chiếu và các thông tin liên quan khác.

Ví dụ: Doanh nghiệp bạn vay thế chấp ngân hàng số tiền 5 tỷ đồng với kỳ hạn trong 10 năm. Trong hợp đồng vay ghi rõ trong 02 năm đầu, mức lãi suất cố định bạn phải chịu là 8%/năm.

Như vậy, từ năm thứ ba trở đi thì lãi suất được áp dụng sẽ là lãi suất thả nổi. Với lãi suất thả nổi, khoản vay của doanh nghiệp có thể có lãi suất thấp hơn hoặc là cao hơn so với lãi suất ban đầu tùy thuộc vào tình hình thị trường tài chính lúc đó.

2. Ưu và nhược điểm của lãi suất thả nổi
Sau đây là những ưu điểm và nhược điểm khi áp dụng lãi suất thả nổi:

2.1. Ưu điểm của lãi suất thả nổi hiện nay
- Khi lãi suất thị trường có những biến động giảm thì số tiền lãi khách hàng thanh toán cho ngân hàng trong kỳ điều chỉnh sẽ thấp hơn so với lãi suất cố định.

- Lãi suất thả nổi thường sẽ có mức lãi suất cơ sở thấp hơn so với hình thức lãi suất cố định, nên nếu khách hàng lựa chọn thì sẽ giúp người vay tiết kiệm chi phí trả lãi.

- Lãi suất thả nổi sẽ được tính cụ thể dựa vào lãi suất tham chiếu và biên độ lãi suất được quy định rõ ràng trong hợp đồng tín dụng, giúp cho người vay dễ dàng hiểu và đánh giá được chi phí của khoản vay mà không cần lo lắng về biến động của lãi suất ra sao.

- Lãi suất thả nổi thường được khuyên dùng cho khách hàng có khoản vay ngắn hạn, giúp cho người vay giảm được chi phí trả lãi cố định và có được linh hoạt trong việc sử dụng các sản phẩm tài chính.

2.2. Nhược điểm của lãi suất thả nổi hiện nay
- Khi lãi suất thị trường biến động tăng lên thì số tiền lãi khách hàng thanh toán cho ngân hàng trong kỳ điều chỉnh sẽ cao hơn có thể vượt qua lãi suất cố định.

- Không thể dự đoán trước được sự thay đổi của lãi suất trong tương lai, đặc biệt trong các thời điểm thị trường bất ổn gây ra khó khăn trong việc cân đối tài chính của khách hàng.

- Lãi suất thả nổi trong trường hợp thị trường biến động có thể dẫn đến số tiền phải trả lớn hơn so với dự tính ban đầu và dễ gây ra rủi ro về tài chính, dẫn đến việc nợ xấu.

- Việc tính toán và quản lý khoản vay áp dụng lãi suất thả nổi cũng phức tạp hơn so với các khoản vay áp dụng lãi suất cố định.

- Lãi suất thả nổi cũng là cách lựa chọn giúp khách hàng có tăng khả năng vay tiền hơn so với lãi suất cố định. 

3. Lãi suất thả nổi hiện nay của các ngân hàng là bao nhiêu?
Lãi suất thả nổi hiện nay của các ngân hàng giao động từ 10,5%/năm đến 12,5% năm. Lưu ý: Khi vay vốn thì quý khách hàng cần liên hệ với ngân hàng để được tư vấn cụ thể các thông tin liên quan đến lãi suất thả nổi nói riêng và các vấn đề khác nói chung nhằm đảm bảo được quyền và lợi ích chính đáng của mình.

Điều 13. Lãi suất cho vay – Thông tư 39/2016/TT-NHNN

1. Tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng, trừ trường hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có quy định về lãi suất cho vay tối đa tại khoản 2 Điều này.

2. Tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam nhưng không vượt quá mức lãi suất cho vay tối đa do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định trong từng thời kỳ nhằm đáp ứng một số nhu cầu vốn:

a) Phục vụ lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy định của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn;

b) Thực hiện phương án kinh doanh hàng xuất khẩu theo quy định tại Luật thương mại và các văn bản hướng dẫn Luật thương mại;

c) Phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của Chính phủ về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa;

d) Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ theo quy định của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ;

đ) Phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định tại Luật công nghệ cao và các văn bản hướng dẫn Luật công nghệ cao.

3. Nội dung thỏa thuận về lãi suất cho vay bao gồm mức lãi suất cho vay và phương pháp tính lãi đối với khoản vay. Trường hợp mức lãi suất cho vay không quy đổi theo tỷ lệ %/năm và/hoặc không áp dụng phương pháp tính lãi theo số dư nợ cho vay thực tế, thời gian duy trì số dư nợ gốc thực tế đó, thì trong thỏa thuận cho vay phải có nội dung về mức lãi suất quy đổi theo tỷ lệ %/năm (một năm là ba trăm sáu mươi lăm ngày) tính theo số dư nợ cho vay thực tế và thời gian duy trì số dư nợ cho vay thực tế đó.

4. Khi đến hạn thanh toán mà khách hàng không trả hoặc trả không đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay theo thỏa thuận, thì khách hàng phải trả lãi tiền vay như sau:

a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất cho vay đã thỏa thuận tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả;

b) Trường hợp khách hàng không trả đúng hạn tiền lãi theo quy định tại điểm a khoản này, thì phải trả lãi chậm trả theo mức lãi suất do tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận nhưng không vượt quá 10%/năm tính trên số dư lãi chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả;

c) Trường hợp khoản nợ vay bị chuyển nợ quá hạn, thì khách hàng phải trả lãi trên dư nợ gốc bị quá hạn tương ứng với thời gian chậm trả, lãi suất áp dụng không vượt quá 150% lãi suất cho vay trong hạn tại thời điểm chuyển nợ quá hạn.

5. Trường hợp áp dụng lãi suất cho vay điều chỉnh, tổ chức tín dụng và khách hàng phải thỏa thuận nguyên tắc và các yếu tố để xác định lãi suất điều chỉnh, thời điểm điều chỉnh lãi suất cho vay. Trường hợp căn cứ các yếu tố để xác định lãi suất điều chỉnh dẫn đến có nhiều mức lãi suất cho vay khác, thì tổ chức tín dụng áp dụng mức lãi suất cho vay thấp nhất.