Không xác định được mặt hàng giảm thuế nên xuất 8% hay 10%?
20/07/2023
Từ ngày 01/07/2023, Nghị định 44/2023/NĐ-CP hướng dẫn về giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8% đối với một số loại hàng hóa dịch vụ trong giai đoạn từ 01/07/2023 đến 31/12/2023 chính thức có hiệu lực.
Thuế GTGT là sắc thuế được áp dụng rộng rãi ở gần như tất cả hàng hóa, dịch vụ và có tầm ảnh hưởng rộng nhất trong đời sống người dân. Do đó, chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% này từ năm 2022 đã tác động tích cực, toàn diện vào phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid -19.
Việc giảm 2% thuế GTGT không chỉ người dân mà doanh nghiệp cũng được hưởng lợi vì doanh nghiệp sẽ giảm được giá vốn nguyên liệu đầu vào, do đó giá thành sản phẩm sẽ giảm theo. Đồng thời, chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng có thu nhập thấp.
Tuy nhiên, rất nhiều doanh nghiệp và kế toán đau đầu vì vấn đề không xác định được mặt hàng giảm thuế GTGT. Việc xác định mức thuế suất sẽ ảnh hưởng đến số tiền thuế GTGT phải nộp vào NSNN và quyền lợi của người mua. Bắt buộc doanh nghiệp phải xác định đúng mức thuế suất và tự chịu trách nhiệm với quyết định của mình. Có một phương án giải quyết rất tối ưu đó là viết công văn để được chi cục thuế hướng dẫn chính xác, nhưng trong thời gian chờ kết quả thì doanh nghiệp vẫn phải xác định được mức thuế suất để xuất hóa đơn khi bán hàng. Như vậy, trong trường hợp không xác định được mặt hàng nào được giảm thuế, kế toán nên xuất hóa đơn 8% hay 10%? Các bạn hãy tham khảo bài viết dưới đây nhé.
1. Số thuế GTGT phải nộp tính như thế nào theo quy định hiện hành?
Theo quy định tại điểm a và điểm b khoản 5 Điều 12 Thông tư 219/2013/TT-BTC về việc xác định số thuế GTGT phải nộp như sau:
Số thuế GTGT phải nộp = Số thuế GTGT đầu ra - Số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ
2. Cách xác định mặt hàng được giảm thuế GTGT
Để xác định hàng hoá, dịch vụ được giảm thuế GTGT, các doanh nghiệp căn cứ vào danh mục hàng hoá, dịch vụ đang kinh doanh, mã số HS, mã sản phẩm hàng hoá, dịch vụ và phụ lục ban hành tại Nghị định 44/2023/NĐ-CP. Cụ thể:
Sử dụng một trong hai cách sau đây:
- Tra cứu danh mục mã ngành nghề kinh doanh thông qua Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp sau đó dựa vào danh mục này để xác định danh mục hàng hoá, dịch vụ.
- Liệt kê hàng hoá, dịch vụ đang thực tế kinh doanh, căn cứ vào mã sản phẩm tương ứng tại Quyết định 43/2018/QĐ-TTg và đối chiếu phụ lục I tại cột từ cấp 1 đến cấp 7 của Nghị định 44/2023/NĐ-CP:
+ Nếu nằm trong danh sách ngành không được giảm: Xuất hoá đơn với thuế GTGT 10%.
+ Nếu không nằm trong danh sách không được giảm: Xuất hoá đơn với thuế suất 8%.
3. Quy định về kê khai hóa đơn xuất sai thuế suất
Theo quy định tại điểm a và điểm b khoản 5 Điều 12 Thông tư 219/2013/TT-BTC có hướng dẫn như sau:
a. Đối với cơ sở kinh doanh bán hàng hóa, dịch vụ: Nếu thuế suất thuế GTGT ghi trên hóa đơn cao hơn thuế suất đã được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về thuế GTGT thì phải kê khai, nộp thuế GTGT theo thuế suất đã ghi trên hóa đơn; Nếu thuế suất thuế GTGT ghi trên hóa đơn thấp hơn thuế suất đã được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về thuế GTGT thì phải kê khai, nộp thuế GTGT theo thuế suất thuế GTGT quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về thuế GTGT.
b. Trường hợp hóa đơn ghi sai mức thuế suất thuế giá trị gia tăng mà các cơ sở kinh doanh chưa tự điều chỉnh, cơ quan thuế kiểm tra, phát hiện thì xử lý như sau:
Đối với cơ sở kinh doanh mua hàng hóa, dịch vụ: Nếu thuế suất thuế GTGT ghi trên hóa đơn mua vào cao hơn thuế suất đã được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về thuế GTGT thì khấu trừ thuế đầu vào theo thuế suất quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về thuế GTGT. Trường hợp xác định được bên bán đã kê khai, nộp thuế theo đúng thuế suất ghi trên hóa đơn thì được khấu trừ thuế đầu vào theo thuế suất ghi trên hóa đơn nhưng phải có xác nhận của cơ quan thuế trực tiếp quản lý người bán; Nếu thuế suất thuế GTGT ghi trên hóa đơn thấp hơn thuế suất quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về thuế GTGT thì khấu trừ thuế đầu vào theo thuế suất ghi trên hóa đơn.
Đối với cơ sở kinh doanh bán hàng hóa, dịch vụ: Trường hợp cơ sở kinh doanh khi nhập khẩu hàng hóa đã khai, nộp thuế GTGT ở khâu nhập khẩu, khi bán cho người tiêu dùng đã lập hóa đơn ghi thuế suất thuế GTGT trên hóa đơn GTGT bán ra đúng bằng với mức thuế suất thuế GTGT đã khai, nộp thuế ở khâu nhập khẩu nhưng mức thuế suất thuế GTGT đã khai (ở khâu nhập khẩu và khâu bán ra nội địa) thấp hơn thuế suất đã được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về thuế GTGT và cơ sở kinh doanh không thể thu thêm được tiền của khách hàng thì số tiền đã thu của khách hàng theo hóa đơn GTGT được xác định là giá đã có thuế GTGT theo thuế suất đã được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về thuế GTGT để làm cơ sở xác định đúng số thuế GTGT phải nộp và xác định doanh thu tính thuế TNDN.
Qua các quy định trên, nếu chưa xác định được mức thuế được giảm hay chưa mà ghi sai mức thuế đầu ra và đầu vào mà chưa tự điều chỉnh, cơ quan thuế kiểm tra, phát hiện thì xử lý như sau:
- Thuế GTGT đầu ra: Nếu ghi thuế suất là 10% thì phải kê khai, nộp thuế GTGT 10%.
- Thuế GTGT đầu vào:
+ Người mua: Trên hoá đơn ghi thuế 10% trong khi được giảm thuế (8%) thì khấu trừ thuế đầu vào với mức thuế 8%. Nếu bên bán đã kê khai, nộp thuế theo đúng thuế suất 10% ghi trên hoá đơn thì được khấu trừ thuế đầu vào theo mức thuế 10% nhưng phải có xác nhận của cơ quan thuế trực tiếp quản lý người bán.
Nếu thuế ghi trên hoá đơn thấp hơn (8%) thuế suất quy định (10%) thì khấu trừ thuế đầu vào theo thuế ghi trên hoá đơn (8%).
+ Người bán: Sẽ phải nộp thêm thuế GTGT bổ sung nếu có đồng thời hai điều kiện sau đây:
Nếu khi nhập khẩu hàng hoá đã khai, nộp VAT, khi bán cho người tiêu dùng với thuế trên hoá đơn bán ra đúng bằng mức thuế đã khai, nộp ở khâu nhập khẩu nhưng thực tế mức thuế này (8%) thấp hơn thuế quy định (10%).
Không thể thu thêm được tiền của khách hàng thì số tiền đã thu được theo hoá đơn được xác định là giá đã có thuế GTGT theo thuế suất 10% để làm cơ sở xác định đúng số thuế phải nộp và xác định doanh thu.
4. Nên chọn mức thuế GTGT 8% hay 10% khi không xác định được trường hợp giảm thuế?
Theo các quy định trên, việc áp dụng thuế suất cao hơn (tức 10%) sẽ hạn chế phải điều chỉnh lại cho 2 bên hơn trong trường hợp xác định sai mức thuế, hay không xác định chắc chắn.
Do đó, trước hết các doanh nghiệp có thể xuất hoá đơn 10% và đồng thời gửi đề nghị hướng dẫn đến cơ quan thuế. Sau khi có hướng dẫn thì thực hiện hoá đơn điều chỉnh, bên bán kê khai điều chỉnh thuế đầu ra, bên mua kê khai điều chỉnh thuế đầu vào. Nếu bên bán chưa kịp điều chỉnh mà bị CQT phát hiện thì xử lý theo quy định tại điều 12 thông tư 219/2013/TT-BTC.