Hóa đơn đỏ và hóa đơn đặt in là gì? Những đối tượng được đặt in hóa đơn giấy? Trường hợp không tiếp tục sử dụng hóa đơn mua của cơ quan thuế thì xử lý như thế nào?
1. Hóa đơn đỏ và hóa đơn đặt in là gì? Những đối tượng được đặt in hóa đơn giấy?
(i) Hóa đơn là chứng từ kế toán do tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ lập, ghi nhận thông tin bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ. Hóa đơn được thể hiện theo hình thức hóa đơn điện tử hoặc hóa đơn do cơ quan thuế đặt in .

(Căn cứ khoản 1 Điều 3 Nghị định 123/2020/NĐ-CP)
(ii) Hóa đơn đỏ là một chứng từ chứng minh cho việc giao dịch mua bán hàng hóa của đôi bên để từ đó xác định số thuế phải nộp vào ngân sách.

Hóa đơn đỏ là một loại chứng từ thể hiện các giá trị hàng bán hoặc các dịch vụ cung cấp của người bán tới người mua. Nội dung trên hóa đơn đỏ cần phải có thông tin người bán, người mua (tên doanh nghiệp, mã số thuế, địa chỉ) và giá trị hàng bán, dịch vụ đã bao gồm cả thuế giá trị gia tăng được khấu trừ.

(iii) Hóa đơn đặt in do cơ quan thuế đặt in là hóa đơn được thể hiện dưới dạng giấy do cơ quan thuế đặt in để bán cho tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng và trường hợp được mua hóa đơn của cơ quan thuế theo quy định tại Mục 2 dưới đây để sử dụng khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.
(Căn cứ khoản 3 Điều 3 Nghị định 123/2020/NĐ-CP)

2. Những đối tượng nào được đặt in hóa đơn giấy?
Căn cứ Điều 23 Nghị định 123/2020/NĐ-CP, cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Cục Thuế) đặt in hóa đơn để bán cho các đối tượng sau:

(i) Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh quy định tại khoản 1 Điều 14 Nghị định 123/2020/NĐ-CP trong trường hợp doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh không thực hiện giao dịch với cơ quan thuế bằng phương tiện điện tử, không có hạ tầng công nghệ thông tin, không có hệ thống phần mềm kế toán, không có phần mềm lập hóa đơn điện tử để sử dụng hóa đơn điện tử và để truyền dữ liệu hóa đơn điện tử đến người mua và đến cơ quan thuế.

Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh mua hóa đơn của cơ quan thuế trong thời gian tối đa 12 tháng, đồng thời cơ quan thuế có giải pháp chuyển đổi dần sang áp dụng hóa đơn điện tử. Khi chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử thì các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh thực hiện đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế hoặc hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế (nếu đủ điều kiện) theo quy định tại Điều 15 Nghị định 123/2020/NĐ-CP.

(ii) Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh trong thời gian hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin cấp mã hóa đơn của cơ quan thuế gặp sự cố theo quy định tại khoản 2 Điều 20 Nghị định 123/2020/NĐ-CP.

3. Những trường hợp không tiếp tục sử dụng hóa đơn mua của cơ quan thuế thì xử lý như thế nào?
Căn cứ Điều 25 Nghị định 123/2020/NĐ-CP, việc xử lý hóa đơn mua của cơ quan thuế trong các trường hợp không tiếp tục sử dụng được quy định như sau:

(i) Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh được cơ quan thuế chấp thuận ngưng sử dụng mã số thuế phải dừng việc sử dụng các loại hóa đơn chưa sử dụng.

(ii) Cơ quan thuế quản lý trực tiếp có thông báo việc hết giá trị sử dụng của các hóa đơn chưa lập mà doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh không còn kinh doanh tại địa điểm đã đăng ký kinh doanh hoặc tự ý ngừng kinh doanh đang sử dụng.

(iii) Trường hợp chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử thì doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh được cơ quan thuế chấp thuận sử dụng hóa đơn điện tử phải thực hiện tiêu hủy hóa đơn đã mua của cơ quan thuế theo quy định tại Điều 27 Nghị định 123/2020/NĐ-CP trước khi sử dụng hóa đơn điện tử.