Hiện nay Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp không còn ghi nhận ngành nghề kinh doanh nữa. Thế nhưng, đăng ký ngành nghề kinh doanh khi mới thành lập doanh nghiệp và thông báo thay đổi ngành nghề kinh doanh đã đăng ký khi có thay đổi vẫn là những công việc mà doanh nghiệp bắt buộc phải thực hiện. Đây cũng là vấn đề khiến nhiều người đau đầu khi phải suy xét chọn mã ngành phù hợp. Vậy, đâu là giải pháp tra cứu mã ngành nghề nhanh nhất, chính xác nhất? Mã ngành phải được ghi thế nào cho đúng?
Tra cứu mã ngành nghề kinh doanh ở đâu?
Phần lớn chúng ta đã quen thuộc với việc tra cứu mã ngành nghề kinh doanh trực tiếp tại hoặc tại Cổng thông tin quốc gia về doanh nghiệp.

Tuy nhiên, hai phương thức trên đều có chung một nhược điểm đó là người tra cứu phải tự mình dò tìm vì cả hai đều chỉ mang tính chất tổng hợp ngành nghề mà không có thông tin gì khác. Vì vậy, độ chính xác của các phương thức này không cao và khá mất thời gian.

Bên cạnh các phương thức truyền thống kể trên, PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP cũng vừa cho ra mắt công cụ Tra cứu mã ngành nghề kinh doanh trực tiếp ngay tại website. Với thuật toán tìm kiếm thông minh, nội dung chi tiết và cập nhật, đây có thể được xem là phương thức tra cứu mã ngành nhanh nhất hiện nay.

Một lưu ý nhỏ là trong quá trình tra cứu, người tra cứu có thể tìm kiếm thông tin mã ngành của các doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh tương tự với mình và đối chiếu với danh mục ngành nghề kinh doanh để tìm được mã ngành phù hợp.

Phải chọn được mã ngành cấp 4
Đây là nguyên tắc đáng lưu ý mà nhiều người thường xuyên thực hiện không đúng, dẫn đến bị trả hồ sơ khi thực hiện thủ tục với các cơ quan nhà nước.

Cần biết rằng, hệ thống mã ngành theo quy định của pháp luật hiện hành phân hóa từ cấp 1 cho đến cấp 5 tương ứng với số chữ số trong mã ngành đó.

Theo nguyên tắc, khi chọn mã ngành để đăng ký, doanh nghiệp phải đăng ký bằng mã ngành cấp 4 (có 4 số) sau đó bổ sung mã ngành cấp 5 hoặc diễn giải chi tiết phù hợp với quy định của pháp luật.

Khi nào bắt buộc phải ghi thêm mã ngành cấp 5, diễn giải chi tiết?
Trong một số trường hợp, việc chỉ ghi nhận mã ngành cấp 4 là chưa đủ, mà người ghi mã ngành phải bổ sung thêm diễn giải chi tiết của ngành nghề đó hoặc mã ngành cấp 5 phù hợp với ngành nghề kinh doanh của mình.

Thực tế, có không ít trường hợp cán bộ tiếp nhận từ chối hồ sơ và doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục nhiều lần chỉ vì thiếu nội dung trên.

Do đó, việc xác định trường hợp nào phải ghi thêm ngoài việc chọn mã ngành nghề cấp 4 cũng là một lưu ý rất quan trọng.

Cụ thể, việc bổ sung diễn giải chi tiết hoặc mã ngành cấp 5 là vô cùng cần thiết trong các trường hợp sau:

1. Đối với ngành nghề kinh doanh thuộc danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện (về vốn pháp định, chứng chỉ,…), danh mục ngành nghề kinh doanh cấm kinh doanh hoặc hạn chế kinh doanh, ngoài mã ngành cấp 4, phải ghi theo ngành, nghề quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật.

Ví dụ: Doanh nghiệp sản xuất con dấu phải đăng ký mã ngành 8299 - "Hoạt động dịch vụ hỗ trợ kinh doanh khác còn lại chưa được phân vào đâu", diễn giải chi tiết: “Sản xuất con dấu”

Xem thêm “Một số ngành nghề kinh doanh cần vốn pháp định”

2. Đối với các ngành nghề không được ghi nhận thành một ngành nghề cụ thể  trong hệ thống ngành kinh tế Việt Nam (không có mã ngành riêng), nhưng được quy định trong các văn bản pháp luật khác, thì ghi nhận thêm theo quy định tại các văn bản đó.

Trong trường hợp này, doanh nghiệp có thể chọn mã ngành cấp 4 có liên quan đến ngành nghề mình kinh doanh và thường có các dạng cấu trúc sau:

- Hoạt động …khác

- Hoạt động có liên quan đến … khác

- Hoạt động … chưa được phân vào đâu.

- … khác

- … chưa được phân vào đâu.

Đồng thời, sau đó có thể ghi thêm mã ngành cấp 5 phù hợp rồi bổ sung thêm diễn giải chi tiết bên dưới hoặc ghi trực tiếp chi tiết sau mã ngành cấp 4.

Ví dụ: Doanh nghiệp bán mỹ phẩm đăng ký mã ngành như sau:

4649 - Bán buôn đồ dùng khác cho gia đình

46493 - Bán buôn nước hoa, hàng mỹ phẩm và chế phẩm vệ sinh

Diễn giải chi tiết: Bán nước hoa, mỹ phẩm nhập khẩu

3. Đối với các ngành nghề không thuộc hệ thống ngành kinh tế Việt Nam và chưa được ghi nhận trong một văn bản pháp luật nào khác nhưng không thuộc danh mục ngành nghề cấm đầu tư, kinh doanh, cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ xem xét và ghi nhận vào cơ sở dữ liệu quốc gia, thông báo cho Tổng cục Thống kê - Bộ Kế hoạch và Đầu tư để bổ sung ngành, nghề kinh doanh mới.